MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nợ xấu nguy cơ tăng cao trong năm 2023. Ảnh: Anh Dũng

Ngành ngân hàng tìm giải pháp cho nợ xấu tiềm ẩn liên quan bất động sản

Gia Miêu LDO | 26/01/2023 16:46
Câu chuyện nợ xấu và trích lập dự phòng có thể sẽ là gánh nặng lớn đối với ngành ngân hàng trong năm 2023.

Báo cáo tài chính vừa được các ngân hàng công bố đang cho thấy một điều, đó là trong năm 2022 các ngân hàng đã rất nỗ lực kiểm soát nợ xấu, đặc biệt là ở các ngân hàng có quy mô nhỏ. Đơn cử như trường hợp của Saigonbank, báo cáo tài chính quý 4.2022 của ngân hàng này cho thấy tỷ lệ nợ xấu được Saigonbank kiểm soát ở mức khoảng 2% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức 153%. Đây là tỷ lệ khá cao trong hệ thống ngân hàng hiện nay, cũng là bộ đệm an toàn để ngân hàng sẵn sàng ứng phó với biến động nếu có liên quan đến các khoản nợ xấu.

Tính đến 31.12.2022, nợ xấu của Eximbank ở con số 2.346 tỉ đồng, tăng 99 tỉ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 4,4% - mức tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu có sự cải thiện, giảm từ 1,96% xuống 1,8%. Lãnh đạo của ngân hàng ABBank cho biết việc kiểm soát nợ xấu trong năm 2022 cũng là một thử thách lớn trước thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp, tuy nhiên ngân hàng đã nỗ lực duy trì tỷ lệ nợ xấu trên tổng dự nợ ổn định dưới mức 3% theo đúng quy định của NHNN và trích lập dự phòng cho các khoản vay.

Các ngân hàng nỗ lực kiềm nợ xấu. Ảnh: Hải Nguyễn 

Tuy nhiên, dự báo của các chuyên gia cho thấy, nợ xấu của nền kinh tế năm 2023 sẽ gia tăng cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, lãi suất tăng sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ của bên vay (cá nhân và doanh nghiệp), trong khi kinh tế phục hồi chậm lại, tăng trưởng thấp hơn như nêu trên, dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. Vì vậy, dự báo trong năm 2023, nợ xấu nội bảng ở mức 2%, nợ xấu gộp khoảng 4%. Trong khi đó, mức nợ xấu gộp của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam khoảng 4,99%, ở mức cao khi so sánh với các nước trong khu vực.

Trong báo cáo ngành ngân hàng của CTCK Yuanta Việt Nam, dự báo chỉ tiêu lợi nhuận ròng của 27 ngân hàng niêm yết tăng 16% trong năm 2023, đồng thời tỷ lệ nợ xấu cũng sẽ gia tăng. Yuanta Việt Nam cho rằng nợ xấu 2023 sẽ tăng lên 1,65% tăng 10 điểm cơ bản so với 2022. Do đó, chi phí dự phòng có thể sẽ tăng lên, đặc biệt là tại các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp. Nguyên nhân tăng xuất phát từ những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường bất động sản, khi các điều kiện thanh khoản bị thắt chặt và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ. Theo NHNN, dư nợ tín dụng của lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống.

Đồng quan điểm này, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, năm 2023 sẽ là năm chông gai đối với ngành ngân hàng. Bởi lẽ, khi nhìn ở góc độ trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp bất động sản bắt đầu gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tái cơ cấu cho hoạt động kinh doanh của mình. Điều này có thể sẽ làm gia tăng rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ của những công ty này với ngân hàng.

Thêm vào đó, tổng dư nợ toàn bộ các khoản cho vay mua nhà tại các ngân hàng ở mức khoảng 1,3 triệu tỉ đồng. Thế nhưng, thị trường bất động sản lại đang có xu hướng giảm giá và chưa thấy tín hiệu hồi phục. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu của CTCK SSI duy trì quan điểm rằng các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới. Trừ khi có các quy định đặc biệt về phân loại nợ và trích lập dự phòng cho các khoản vay hay trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 được thực hiện, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là những áp lực tương đối lớn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn