MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người gửi tiền được bảo vệ hiệu quả bằng chính sách bảo hiểm tiền gửi

H.M LDO | 24/11/2017 07:51

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức tài chính được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện chính sách BHTG, cũng là một thành viên trong mạng an toàn tài chính quốc gia, là một trong những công cụ của Chính phủ trong việc bảo vệ người gửi tiền và giữ an toàn hệ thống. 

Bên cạnh BHTG, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn có các công cụ khác nhằm thực hiện mục tiêu chính sách công này như các chính sách kinh tế vĩ mô, để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, chính sách thuế… để đảm bảo cho hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả.

Hạn mức BHTG cũng như chính sách BHTG hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng. Với các quy định cụ thể, chính sách BHTG đã thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc đảm bảo an toàn đối với tiền gửi tiết kiệm của người dân trong hạn mức BHTG khi tổ chức tham gia BHTG đổ vỡ, hướng tới mục tiêu bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền cũng như sự an toàn của hệ thống tài chính - ngân hàng quốc gia.

Hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam đã được điều chỉnh lên 75 triệu đồng từ ngày 15.8.2017. Dù hạn mức trả tiền bảo hiểm được điều chỉnh tăng nhưng phí BHTG vẫn không thay đổi nhằm tránh gây áp lực đối với các tổ chức tham gia BHTG. Tuy nhiên, không nên hiểu nhầm rằng với hạn mức nêu trên, khi tổ chức tín dụng phá sản, người gửi tiền được bảo hiểm tại tổ chức tín dụng đó chỉ được nhận tối đa 75 triệu đồng, dù khoản tiền gửi có thể cao hơn.

Luật BHTG quy định, số tiền gửi được bảo hiểm vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của pháp luật. Như vậy, người gửi tiền với số tiền vượt hạn mức sẽ có thể tiếp tục được hoàn trả tiền gửi sau khi thanh lý tổ chức tham gia BHTG.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD vừa được Quốc hội thông qua ngày 20.11.2017, Chính phủ có thẩm quyền “Quyết định áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất” (Điểm c, khoản 1, Điều 146).

Như vậy, luật đã quy định phương án linh hoạt, trao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định việc chi trả vượt hạn mức, mức chi trả, nguồn chi trả cho người gửi tiền là cá nhân tùy thuộc vào tình hình nguồn lực Nhà nước theo từng thời kỳ và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn