MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhận phí lót tay đảo nhóm nợ xấu: Dấu hiệu vi phạm luật hình sự

Lan Hương LDO | 25/03/2022 07:30

Theo phân tích của luật sư, nếu xảy ra trường hợp một Giám đốc chi nhánh Ngân hàng TMCP tự ý thay đổi nhóm nợ xấu của khách hàng, tức là đã thay đổi bản chất của khoản nợ dẫn đến các thông tin sai lệch về nhóm nợ từ khoản nợ ở mức rủi ro rất cao thành khoản nợ ở mức rủi ro rất thấp sẽ dẫn đến các biện pháp theo dõi, quản lý, xử lý khoản nợ này bị thay đổi sai lệch và có thể làm cho khoản nợ đến tình trạng có khả năng mất vốn. Theo luật sư, hành vi trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự được quy định tại Điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015.

Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Xuân Sang – Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Quang Công Lý.

Nếu Giám đốc chi nhánh một ngân hàng nhận tiền của khách hàng để thay đổi nhóm nợ xấu của khách hàng, vậy hành vi trên có vi phạm pháp luật không? Cụ thể là quy định nào của pháp luật?

Hành vi trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự được quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội danh: “Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

Ngoài ra, để thực hiện được hành vi trên, các đối tượng phạm tội có thể phải là giả, làm khống một số chứng từ về nộp tiền, chứng từ giao dịch nội bộ của Tổ chức tín dụng nên hành vi này còn có dấu hiệu cấu thành: “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Vậy hậu quả của việc thay đổi nhóm nợ là gì, thưa Luật sư?

Theo quy định tại Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30.07.2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các khoản nợ của Tổ chức tín dụng được phân loại từ nhóm 1 đến nhóm 5 để đánh giá rủi ro, theo dõi, quản lý và có các biện pháp xử lý đối với từng khoản nợ thuộc từng nhóm khác nhau, trong đó:

Khoản nợ thuộc nhóm 1; 2 là khoản nợ đủ tiêu chuẩn và nợ cần chú ý.

Khoản nợ thuộc nhóm 3 đến nhóm 5 là khoản nợ xấu, trong đó nhóm 4 là nợ nghi ngờ và mức nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn.

Ngoài ra các khoản nợ được phân loại cụ thể trên hệ thống CIC – Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam. Hệ thống CIC cung cấp lịch sử phân loại nhóm nợ của khách hàng để các Tổ chức tín dụng đánh giá khi quyết định cho vay.

Từ những quy định về phân loại nhóm nợ nêu trên, việc một Giám đốc chi nhánh Ngân hàng tự ý thay đổi nhóm nợ của khách hàng là đã thay đổi bản chất của khoản nợ dẫn đến các thông tin sai lệch về nhóm nợ từ khoản nợ ở mức rủi ro rất cao thành khoản nợ ở mức rủi ro rất thấp sẽ dẫn đến các biện pháp theo dõi, quản lý, xử lý khoản nợ này bị thay đổi sai lệch và có thể làm cho khoản nợ đến tình trạng có khả năng mất vốn.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng khác dựa trên thông tin sai lệch về nhóm nợ trên hệ thống CIC để quyết định tiếp tục cho khách hàng vay sẽ có thể dẫn đến Tổ chức tín dụng đó tiếp tục bị mất vốn.

Theo quy định của pháp luật, đối với những hành vi trên, mức độ xử lý sẽ ra sao?

Theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội danh: “Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, tùy theo hậu quả xảy ra, hành vi trên có thể bị xử lý như sau:

Nếu gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

Gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn