MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Trần Lan Phương. Ảnh: P.V

NHCSXH đề xuất mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội năm 2019 là 4,8%

H.M LDO | 25/01/2019 18:20
Bà Trần Lan Phương - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) - đã có cuộc trao đổi với báo chí nhân dịp đầu Xuân về những vấn đề nóng của ngân hàng như nguồn vốn, lãi suất cho vay nhà ở xã hội và giải pháp cho hộ nghèo vay để giúp hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen tại các vùng nông thôn.

Tại Hội nghị triển khai ngành NH, Thủ tướng Chính phủ nói: “Tín dụng đen cho vay lãi suất cắt cổ đang bủa vây người yếu thế”. Thủ tướng chỉ đạo Ngành NH và NHCSXH nghiên cứu đề xuất giải pháp, ví dụ nâng mức vay cho hộ nghèo để không bị “tín dụng đen” bủa vây. Năm 2019, NHCSXH sẽ chuẩn bị như thế nào?

Bà Trần Lan Phương: Trong 16 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp gần 5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,7 triệu LĐ; gần 119.000 LĐ thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; hơn 3,6 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 11 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 105.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ Đồng bằng sông Cửu Long, gần 571.000 căn nhà cho hộ nghèo, trên 13.000 căn nhà phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung.

NHCSXH đã chủ động phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện quyết liệt những giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng đối với những đơn vị có nợ quá hạn cao; tạo sự chuyển biến về cách nghĩ, cách làm của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tác động đến ý thức của người vay “có vay có trả của người dân”; đồng thời tạo sự đồng thuận và quyết tâm của các ngành, các cấp góp phần từng bước nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, giúp người dân cải thiện cuộc sống, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.

Để tiếp tục hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng vay vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, NHCSXH đã nghiên cứu và triển khai các giải pháp:

- Đề xuất nâng mức cho vay của nhóm các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế để tạo điều kiện cho hộ vay đầu tư dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; đồng thời kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài như trồng cây ăn quả, trồng cây công nghiệp; Nâng mức cho vay chương trình học sinh sinh viên để phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường.

- Đề xuất điều chỉnh tăng lãi suất cho vay chương trình giải quyết việc làm bằng lãi suất chương trình cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (bằng 120% đến 125% lãi suất cho vay hộ nghèo) để tạo sự công bằng, giảm áp lực cấp bù của ngân sách nhà nước; hàng năm bổ sung tăng nguồn vốn cho vay của chương trình cho vay giải quyết việc làm nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người LĐ.

- Đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành chức năng xem xét, giải quyết cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định (31.12.2020); đồng thời cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm…

Kết quả cho vay NƠXH theo Nghị quyết số 100 của Chính phủ trong năm 2018 như thế nào, thưa bà? Năm 2019, nguồn vốn và lãi suất dự kiến cho vay NƠXH sẽ như thế nào?

Bà Trần Lan Phương: Năm 2018, NHCSXH được ngân sách nhà nước cấp 500 tỉ đồng, cùng với 50% do NHCSXH tự huy động được Trung ương cấp bù lãi suất đã tạo nguồn vốn cho vay trong năm 2018 là 1.000 tỉ đồng. Ngay sau khi được cấp vốn, NHCSXH đã chỉ đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh, TP, PGD NHCSXH cấp huyện tích cực, khẩn trương báo cáo UBND, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp tham mưu phân giao chỉ tiêu nguồn vốn, đồng thời phối hợp với các Tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện đến tất cả các địa bàn xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Đến 31.12.2018 đã có 59 tỉnh, TP thực hiện cho vay, và cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao. Trong đó các chi nhánh triển khai cho vay tốt như: TP.Hà Nội 62 tỉ đồng, Hà Tĩnh 54 tỉ đồng, Khánh Hòa 52 tỉ, Quảng Nam 50 tỉ đồng, TP.Đà Nẵng 50 tỉ đồng, Hưng Yên 33 tỉ đồng, Thanh Hóa 30 tỉ đồng, Bắc Giang 30 tỉ đồng, Bắc Ninh 26 tỉ đồng, Thừa Thiên - Huế 20 tỉ, Quảng Bình 20 tỉ đồng.

Năm 2019, ngân sách nhà nước bố trí cho NHCSXH số vốn 663 tỉ đồng, cùng với 50% do NHCSXH tự huy động, tổng nguồn vốn cho vay của chương trình là 1.326 tỉ đồng.

Đến nay, Văn phòng Chính phủ đang xin ý kiến của một số bộ, ngành (Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, NHNN) và NHCSXH cũng hy vọng trong thời gian sớm nhất, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi năm 2019 để NHCSXH thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn