MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NHCSXH tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Ảnh: NHCSXH

NHCSXH luôn đi đầu trong công tác giảm nghèo bền vững

HM LDO | 28/12/2017 14:49

Trải qua 15 năm chặng đường xoá đói giảm nghèo, của NHCSXH đã tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Trước đây, chỉ có đối tượng nghèo mới được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, còn các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thì chưa có chính sách hỗ trợ chính thức nào, trong khi ranh giới giữa các hộ này là rất mong manh.

Do đó, không ít hộ nghèo sau khi vay vốn NHCSXH đã thoát nghèo nhưng không bền vững, bởi chỉ cần gặp rủi ro nhỏ hoặc gia đình xảy ra biến cố là họ lại dễ dàng tái nghèo. Hiện tại các chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo đã đa dạng, mở rộng hơn. Đây thực sự là nguồn lực tiếp sức cho nhiều hộ gia đình có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát dần nguy cơ tái nghèo.

Theo TS-LS Lương Văn Tuấn - Khoa Luật - Học viện Phụ nữ Việt Nam - cho biết: “Sự phối hợp giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động cho vay tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác cũng giúp hạn chế nạn tín dụng đen nặng lãi đang tràn lan trong xã hội khiến nhiều người nghèo đã nghèo lại còn nghèo hơn và khó có cơ hội thoát nghèo. Hàng triệu hộ dân trong cả nước được vay vốn tín dụng ưu đãi thoát nghèo, hàng chục ngàn hộ vươn lên làm giàu chính đáng”.

Trong suốt 15 năm qua, để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp đã luôn quan tâm đến việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, dưới các hình thức, như: Bố trí ngân sách Nhà nước cấp vốn điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất, cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quy định các tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì số dư tiền gửi 2% hằng năm; có cơ chế cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh; ngân sách các địa phương, các chủ đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay các chương trình tín dụng chính sách.

Nguồn vốn của địa phương đã tăng nhanh từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, NHCSXH đã tập trung khai thác các nguồn vốn từ thị trường được ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất, đặc biệt thực hiện tốt việc nhận tiền gửi từ người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.

Tính đến ngày 30.9.2017, tổng nguồn vốn đạt trên 179 nghìn tỉ đồng, tăng trên 172 nghìn tỉ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập. Trong đó: Ngân sách Nhà nước cấp vốn điều lệ và cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng đạt 27.762 tỉ đồng, chiếm 15,6% tổng nguồn vốn; NHCSXH huy động trên thị trường, vay Ngân hàng Nhà nước, nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng Nhà nước và phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt 129.775 tỉ đồng, chiếm 72,5%/tổng nguồn vốn. Nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay đạt 8.485 tỉ đồng, chiếm 4,7% tổng nguồn vốn.

Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn NHCSXH tự huy động được ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương, giảm dần nguồn vốn cấp trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các chương trình, thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “Nhà nước, Doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, mặc dù có những thời điểm khó khăn nhưng nguồn vốn tín dụng chính sách thời gian qua đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn