MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Ngô Quang Phủng, 61 tuổi ở xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã nhờ vay vốn ngân hàng chính sách xã hội mà từ hộ thuộc diện cận nghèo sang thoát nghèo. Ảnh: THU TRANG

Những “chuyện lạ” tại xã An Khê, Quỳnh Phụ, Thái Bình

THU TRANG LDO | 15/06/2017 08:38
Trong khi vấn đề xử lý nợ xấu đang được xem là “cục máu đông” của nền kinh tế, trở thành điểm nhức nhối của toàn ngành ngân hàng Việt Nam thì ở xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, những người dân, cũng là khách hàng thuộc các tổ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thái Bình lại không có hiện tượng nợ quá hạn. Câu hỏi đặt ra: Cán bộ ngân hàng ở đây đã dùng những phương thức gì để nâng cao chất lượng tín dụng? Bà con ở xã đã sử dụng việc vốn vay hiệu quả như thế nào?

Xã không có nợ quá hạn

Trả lời câu hỏi của PV Lao Động, tại sao thực trạng nợ xấu vẫn là điều làm đau đầu nhiều ngân hàng thì ở xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình không có dư nợ quá hạn, ông Lê Đắc Vụ - Chủ tịch UBND xã An Khê cho biết, toàn xã 16 tổ tiết kiệm thông qua 8 thôn, vốn huy động tiết kiệm tại điểm giao dịch 231 triệu đồng. Vốn huy động lớn tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế xã hội. Hiện tổng số dư nợ tính đến ngày 31.3.2017 đạt trên 14 tỉ đồng.

Cũng theo ông Vụ, đa số bà con đều chấp hành tốt quy định sử dụng nguồn vốn để thúc đẩy kinh tế xã hội, đến hạn đóng đầy đủ tiền gốc và lãi. Thực hiện điều này là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp UBND từ xã đến thôn, xác định đây là vốn ưu đãi của bà con, nhất là với những hộ nghèo, cận nghèo còn rất khó khăn cần tiếp cận được nguồn vốn để phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy kết quả là hộ nghèo chỉ còn chiếm 23% toàn xã.

Ông Vụ cũng chia sẻ quy trình để giải quyết thực hiện tín dụng của NHCSXH: Cụ thể, khi có quyết định nguồn vốn cấp trên phân bổ về địa phương, Ban Xóa đói giảm nghèo (XĐGN) của xã xác định sử dụng nguồn vốn cho mục tiêu gì? Nguồn vốn được bao nhiêu? Sau đó tiến hành chương trình phân bổ cho các thôn; giao cho các trưởng thôn trực tiếp chủ trì hoặc các tổ vay vốn tiết kiệm xem xét lựa chọn, bình xét những hộ gia đình nằm trong đối tượng được tiếp cận nguồn vốn và bình xét định mức số tiền tiếp cận của từng hộ.

Đặc biệt, việc bình xét này diễn ra rất công khai, minh bạch, bà con trong tổ vay vốn sẽ bình đẳng bình xét cho nhau chứ không theo sự chỉ định nào. Sau đó thôn lập văn bản báo cáo lên Ban XĐGN của xã, trên cơ sở để đó, xã sẽ thống nhất những hộ được vay giao cho các tổ chức đoàn thể. Hàng tháng cán bộ xã thường xuyên làm công tác kiểm tra yêu cầu các tổ chức đoàn thể báo cáo hoạt động sử dụng nguồn vốn của các gia đình, đặc biệt là những hộ gia đình phát sinh mới, xem việc sử dụng nguồn vốn có đúng mục đích hay không, hiệu quả hay không, có khó khăn vướng mắc đề xuất với Ban XĐGN của xã để có phương án giải quyết.

Trao đổi với PV Lao Động, anh Vũ Quang Hưng - Trưởng phòng kế hoạch tín dụng tỉnh Thái Bình chia sẻ kinh nghiệm: “Trước khi đến hạn 2 tháng thì cán bộ ngân hàng đã chủ động trước bằng cách phải rà soát các đối tượng. Đối tượng nào có vấn đề là tập trung xuống tuyên tuyên truyền giải thích để người dân thấy được trách nhiệm của họ, ý thức của người dân được nâng lên và họ chủ động với khoản vay của mình. Người dân ở đây lòng tự trọng rất cao, việc đầu tiên là mình phải tôn trọng họ.

Về với người dân, đôi khi là tỉ tê chén nước chè, hút điếu thuốc lào, thăm vườn tược, chăn nuôi xem họ đang hoạt động ra sao... Tư vấn cho họ nên làm cái gì? Làm như thế nào? thì họ sẽ thấy rất là gần gũi, thân mật cho đến khi đặt vấn đề nợ nần thì đó là chuyện nhỏ. Thêm nữa, cấp chính quyền Trung ương thực sự vào cuộc, các tổ chức hội rất nhiệt tình. Nếu giám đốc ngân hàng cấp huyện mà không chịu đi cơ sở thì chất lượng không thể tốt được”.

Nhu cầu nhiều, nguồn vốn lại hạn hẹp

Trước tình trạng chăn nuôi khó khăn luôn phải giải cứu như hiện nay, điều kỳ lạ là ở xã An Khê vẫn có nhiều trường hợp bà con làm ăn phát triển tốt nhờ vốn vay của NHCSXH. Điển hình như trường hợp anh Đỗ Văn Dũng, 33 tuổi ở thôn Lộc Khê 5, anh vừa được vinh dự nhận giải Lương Đình Của 2016 cho những hộ phát triển chăn nuôi tốt. Anh Dũng cho biết, trang trại của anh quy mô trên 5 tỉ đồng chủ yếu là nuôi lợn nái ngoại, hiện tại anh đang vay vốn chính sách ở mức tối đa 50 triệu đồng. Anh Dũng chia sẻ, thủ tục vay vốn rất đơn giản, điều anh thắc mắc duy nhất là làm sao được vay vốn quá ít, trong khi muốn mở rộng quy mô sản xuất mà bị hạn chế.

Một trường hợp điển hình khác: Ông Ngô Quang Phủng, 61 tuổi. Nằm trong hộ cận nghèo 2014 được duyệt vay vốn để thoát nghèo, ông Phủng được vay tối đa 50 triệu để chăn nuôi bò nái. Trong 1 năm số bò của ông đã đẻ được 6 con thu hoạch được 70 triệu/năm. Thêm nữa, việc trồng ruộng vườn cũng đem về cho ông từ 40-50 triệu đồng/năm. Số vốn vay chính sách này ông dùng để tiếp tục mua bò nái để mở rộng quy mô. “Tôi mong muốn ngân hàng cứ làm sao quan tâm đến dân như thế này. Làm sao mà tố chức tổ vay vốn thật tốt, để những bà con như tôi có cơ hội được vay vốn thoát nghèo. Hiện tại, tôi chỉ mong muốn vay ở mức tối đa thôi. Tôi sẽ làm ăn rồi trả nợ đúng hạn”, ông Phủng chia sẻ.

Theo ông Ngô Quang Trách - Bí thư Đảng uỷ xã An Khê cho biết, rất nhiều gia đình chính sách, hộ nghèo có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, số hộ gia đình được vay vốn so với nhu cầu thực tế tại địa phương còn rất ít không đủ đáp ứng! Đề nghị cấp trên quan tâm tăng thêm nguồn vốn giúp bà con phát triển sản xuất kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn