MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nợ xấu tại các ngân hàng có chiều hướng tăng khi kết thúc quý II/2023. Ảnh: Trà My

Nợ xấu gia tăng, ngân hàng thanh lý ì ạch các bất động sản

Minh Ánh LDO | 03/08/2023 12:08

Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, nợ xấu trong quý II/2023 có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, việc rao bán các tài sản đảm bảo là bất động sản đang gây khó khăn cho các ngân hàng.

Kết thúc đợt công bố báo cáo tài chính quý II/2023, một loạt các báo cáo tài chính (BCTC) của các ngân hàng cho thấy áp lực nợ xấu đang gia tăng.

Các tài sản đảm bảo cần xử lý để thu hồi nợ được các công bố liên tục. Cụ thể mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank chi nhánh Cầu Giấy thông báo xử lý thu hồi nợ cho khoản vay của Công ty Cổ phần Dược phẩm –Thực phẩm Thăng Long. Tài sản bán đầu giá là bất động sản với trị giá hơn 4,5 tỉ đồng.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thường xuyên có các thông báo bán nợ, đấu giá tài sản. Nhiều tài sản được rao bán nhiều lần vì chưa có người mua. Nhiều khoản nợ của các công ty lên đến hàng trăm tỉ đồng như khoản nợ của Công ty CP Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty CP Thanh Tâm. Mức khởi điểm hơn 346 tỉ đồng. Tổng dư nợ gốc và lãi đến tháng 3.2023 là 582 tỉ đồng.

Tính đến thời điểm 30.6.2023, nợ xấu của BIDV ở mức 25.970 tỉ đồng, tăng xấp xỉ 47% so với đầu năm. Trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng tăng 1069 tỉ đồng so với cùng kỳ. Tỉ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay tăng lên 1,59%.

Cùng thời điểm, tỉ lệ nợ xấu/dư nợ của các ngân hàng Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) ghi nhận mức tăng lần lượt là 0,83% và 1,27%.

Trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Quốc Tế VIB là ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng vượt 3%, ghi nhận ở mức 3,6%.

Theo các chuyên gia tài chính, việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường. Điều này khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng. Ngoài ra, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc như hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám đốc của AFA Capital - cho rằng: "Trong dự thảo luật sửa đổi các tổ chức tín dụng sửa đổi, giá mua bán nợ xấu phải phù hợp với giá thị trường. Thế nhưng thực tế, Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu".

Ông Tuấn cho rằng, ở Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất; dự án bất động sản. Thế nhưng trong dự thảo luật tổ chức tín dụng sửa đổi lại chưa xuất hiện thủ tục thu, giữ tài sản đảm bảo. Đặc biệt nếu tài sản đảm bảo là bất động sản không được quy định thì tạo nên rất nhiều vấn đề khó khăn cho các dự án bất động sản, từ đó nợ xấu gia tăng là điều khó tránh khỏi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn