MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nợ xấu ngày càng xấu đi tại nhiều ngân hàng

Lam Duy LDO | 24/04/2020 20:40
Dù vẫn đạt lợi nhuận cao, tình hình nợ xấu tại các ngân hàng đang có xu hướng xấu đi trong 3 tháng đầu năm nay.

Tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), báo cáo tài chính quý I/2020 cho thấy ngân hàng đạt 485,6 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 18,3% so với cùng kỳ 2019. 

Theo ông Phạm Doãn Sơn – Tổng Giám đốc LienVietPostBank, chú trọng thúc đẩy hoạt động dịch vụ và tăng nguồn thu từ các hoạt động khác để đa dạng hóa nguồn thu, gia tăng lợi nhuận và tăng tỉ trọng đóng góp trong tổng thu nhập là yếu tố khiến lợi nhuận của ngân hàng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Song cũng trong 3 tháng đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của LienVietPostBank là 37,3 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số âm (-) 133,4 tỉ đồng trong quý I/2019. Theo thuyết minh báo cáo tài chính quý I/2020, nợ xấu các nhóm 3 và 4 tại LienVietPostBank lần lượt mức tăng 123,8 tỉ đồng và 31,7 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm.

Theo báo cáo tài chính quý I/2020, tỉ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng tăng từ 1,68% vào thời điểm cuối năm 2019 lên 1,83% ở thời điểm ngày 31.3.2020.

Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tại VIB tăng mạnh từ 1.757,5 tỉ đồng lên 1.988,6 tỉ đồng sau 3 tháng đầu năm và chiếm 67,4% tổng số nợ xấu tại ngân hàng.

Đạt mức tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục trong 3 tháng đầu năm nay, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 308,4 tỉ đồng trong quý I/2020, tăng 105% so với kết quả 150,2 tỉ đồng của cùng kỳ 2019

Theo ông Lê Văn Tần – Chủ tịch HĐQT SeABank, lợi nhuận tăng mạnh nhờ ngân hàng chú trọng đến mảng kinh doanh truyền thống, triển khai nhiều chương trình thúc đẩy các hoạt động kinh doanh cũng như mở rộng phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ khác như phái sinh lãi suất và tăng cường hoạt động dịch vụ thanh toán, ngân hàng 

Tuy nhiên trong kỳ báo báo, nợ xấu của SeABank ở nhóm có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) cũng tăng mạnh từ 1.105 tỉ đồng thời điểm đầu năm lên tới 1.437,2 tỉ đồng ở thời điểm ngày 31.3.2020.

Các báo cáo tài chính quý I/2020 được công bố trước đó cũng lần lượt cho thấy thực tế, cùng với mức tăng lợi nhuận, tỉ lệ nợ xấu và con số nợ xấu tuyệt đối cũng có xu hướng tăng lên tại một số ngân hàng thương mại.

Như tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương tín (VietBank), tổng số dư các nhóm nợ xấu có xu hướng tăng lên rõ rệt so với cuối năm 2019. Đáng lo ngại là nợ xấu ở nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng tới 63% trong các tháng đầu năm nay, từ 98,2 tỉ đồng cuối năm 2019 lên 160,1 tỉ đồng ở thời điểm ngày 31.3.2020.

Cộng đồng doanh nghiệp và người dân vay vốn sản xuất kinh doanh hiện đang chịu những tác động rất lớn của dịch bệnh COVID-19 khiến khả năng trả nợ ngân hàng đúng hạn gặp nhiều khó khăn. 

Số liệu mới nhất được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng công bố vào giữa tháng 4.2020 cho thấy, ước tính có khoảng 2 triệu tỉ đồng dư nợ, chiếm 23% dư nợ hiện hữu của toàn bộ hệ thống ngân hàng có thể chịu tác động của dịch bệnh COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn