MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: OB

Open Banking - xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng

Tuyết Lan LDO | 08/12/2023 12:54

Open Banking là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại công nghệ. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới nên khi triển khai gặp khó khăn không chỉ ở vấn đề công nghệ mà còn là thay đổi nhận thức và khung pháp lý.

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết một trong những công nghệ đột phá gắn với Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cho phép kết nối chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API).

Thực tế đã được một số ngân hàng Việt Nam nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào hoạt động thanh toán, nhận biết khách hàng điện tử, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo. Open Banking - Open API là một lĩnh vực mới cả về yếu tố kỹ thuật và pháp lý không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Ông Nguyễn Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia VN (NAPAS). Ảnh: OB

Bàn về lợi ích của việc phát triển ngân hàng mở đối với các chủ thể của hệ sinh thái thanh toán, trao đổi với PV báo Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia VN (NAPAS) cho biết: "Trong mô hình ngân hàng mở có 3 chủ thể chính tham gia gồm Ngân hàng; Bên thứ 3 cung cấp dịch vụ được kết nối thông qua Open API vào hệ thống ngân hàng để chia sẻ thông tin cung cấp dịch vụ cho khách hàng; Khách hàng sử dụng dịch vụ.

Khi nói đến Ngân hàng mở được hiểu là ngân hàng chia sẻ thông tin, dịch vụ cho các công ty Fintech. Qua trao đổi với các chuyên gia trước đây, hiện nay ứng dụng Open API không chỉ giới hạn trong lĩnh vực Open Banking mà mở rộng ra toàn bộ nền kinh tế, Open Banking, Open Finance, Open data. Thông qua giao diện Open API, hệ thống ngân hàng có thể kết nối, cung cấp toàn bộ cho các chủ thể của nền kinh tế, không chỉ giới hạn trong ngành fintech, tài chính mà còn đến các công ty bán lẻ, công ty dịch vụ logistic, từ đó cung cấp dịch vụ NH cho toàn thể người dân.

Tôi nghĩ sự kết nối này đem lại lợi ích rất lớn cho toàn thể xã hội, cho các chủ thể tham gia Open Banking và tiến tới Open Data. Tôi nghĩ nhìn nhận tổng thể như vậy sẽ đưa sự phát triển của Open Banking vào định hướng phát triển của nền kinh tế số của Chính phủ".

Theo ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho rằng sự hình thành của những ngân hàng mở/Open Bank là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

"Đây sẽ là một trong những mô hình đột phá công nghệ tài chính, thúc đẩy quá trình phát triển số theo hướng thông minh và cởi mở, giúp chuyển đổi số thành công lĩnh vực ngân hàng" - ông Hưng khẳng định.

Đề cập về thực trạng ứng dụng ngân hàng mở tại Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết 72,3% tổ chức tín dụng đã và đang dự tính triển khai các API, trong đó 47,6% đã xây dựng các API để cho các bên thứ ba kết nối (external API). Khoảng 65% các tổ chức tín dụng sẵn sàng triển khai Open API, trong đó trên 30% tổ chức tín dụng có mức độ sẵn sàng cao đối với Open API.

Nhiều tổ chức tín dụng đã xây dựng các API cho phép các bên thứ ba kết nối, triển khai API Portal để các đối tác có thể kết nối vào hệ sinh thái ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều nhà cung cấp giải pháp ứng dụng open API như: Open API Connect của IBM, WS02 open source, APIGee của Google, Open API Connect của IBM.

Trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông để hướng dẫn khách hàng hiểu rõ về quy trình thực hiện, bảo mật thông tin và nhận biết để phòng, tránh những rủi ro lừa đảo, gian lận. Tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bên để kịp thời hỗ trợ xử lý những vướng mắc, sự cố phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn