MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãi suất cho vay của FE CREDIT hiện tên tới trên 39%/năm. Ảnh: FE

Phải có trần lãi suất để tránh cho vay nặng lãi, cắt cổ

Lam Duy LDO | 01/07/2020 19:25
Lãi suất cho vay tại một số công ty tài chính như FE CREDIT hiện cao hơn nhiều mức lãi suất tối đa 20%/năm được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015.

Các thông tin được Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE CREDIT) niêm yết công khai trên website fecredit.com.vn cho thấy, người tiêu dùng có vay tiền mặt tại công ty này với số tiền từ 5 triệu đồng đến tối đa 70 triệu đồng.

Tuy nhiên mức mức lãi suất cho vay sẽ thay đổi tùy thuộc theo loại giấy tờ mà người vay cung cấp, thấp nhất là 1,75%/tháng khi có chứng minh thu nhập và cao nhất đến 3,27%/tháng khi người vay chỉ có chứng minh thư và hộ khẩu.

Theo đó, lãi suất cho vay theo năm tại FE CREDIT hiện lên tới 21%/năm và cao nhất tới 39,24%/năm. Bảng tính toán lãi suất mà công ty này cung cấp cho thấy, khi vay 20 triệu đồng tại FE CREDIT trong 6 tháng, người vay phải trả cao nhất mỗi tháng hơn 4,02 triệu đồng và trong đó có gần 0,7 triệu đồng là tiền lãi.

Nếu hoàn hoàn tất nghĩa vụ trả nợ đúng hạn 6 tháng, ngoài số tiền gốc 20 triệu đồng, người dân phải trả thêm cho FE CREDIT gần 4,2 triệu đồng tiền lãi chỉ sau ít tháng. 

Được biết, liên quan đến việc một khách hàng vay tiền tại FE CREDIT bị dọa nạt dẫn đến phải tự tử xảy ra cách đây ít ngày, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng VPBank và FE CREDIT phải rà soát toàn bộ quy trình cho vay, thu hồi nợ.

Đáng chú ý, mức lãi suất 21 - 39,24% tại FE CREDIT nói trên hiện cao hơn nhiều trần lãi suất cho vay tối đa không quá 20%/năm được quy định theo khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với các quy định hiện nay và trong một số trường hợp, các ngân hàng, tổ chức tài chính được cho vay với lãi suất thỏa thuận vượt 20%/năm.

Song để tránh trường hợp người dân bị lạm dụng, lợi dụng cho vay nặng lãi và đặc biệt với người dân đang có nhu cầu mà không thể vay vốn từ các ngân hàng và phải tìm đến các công ty tài chính, vị chuyên gia nhiều kinh nghiệm quốc tế đề xuất phải có một quy định để ngăn việc cho vay với lãi suất cắt cổ, mang tính chiếm dụng và lừa đảo.

“Tôi cho rằng lãi suất cho vay tại các công ty tài chính cũng cần phải được khống chế ở một mức trần cụ thể, ví dụ như không quá 50%/năm, nhằm khống chế tình trạng lợi dụng, lạm dụng để cho người dân vay nặng lãi, cắt cổ” -  TS Nguyễn Trí Hiếu đưa ý kiến.

TS Trần Đình Lâm - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á trước đó cũng đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu phải khống chế mức lãi suất trần cho vay hợp lý tại các công ty tài chính bởi thực tế, có những nơi cho vay với mức lãi suất tới 70%/năm.

Trong khi đó theo luật gia Bùi Tường Vũ - Giám đốc Cty TNHH Thư viện Pháp luật, Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1.1.2020 có quy định rất rõ là các công ty tài chính phải niêm yết công khai khung lãi suất cho vay tiêu dùng cũng như các loại phí, phương pháp tính lãi.

"Việc bổ sung quy định mới này nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, khách hàng biết rõ về mức lãi suất cho vay và từ chối vay nếu nó quá cao, cũng như không bị nhắc nợ dồn dập, liên tục" - ông Bùi Tường Vũ đưa ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn