MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
hình minh họa.

Rút 1,2 tỷ do ngân hàng chuyển nhầm 5 tỷ, thanh niên có phạm tội?

MAI PHƯƠNG LDO | 26/04/2019 17:57

Trước đó, nam thanh niên gửi hồ sơ xin được cấp thẻ tại một chi nhánh ngân hàng. Sau khi có thẻ, Nguyên bất ngờ nhận được gần 5 tỷ đồng. 

Ngày 26.4, một cán bộ Công an Quận 1, TP.HCM, xác nhận hiện cơ quan này đang làm việc với C.C.N để làm rõ hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

C.C.N (19 tuổi) gửi hồ sơ xin được cấp thẻ tại một chi nhánh ngân hàng. Sau khi có thẻ, N bất ngờ nhận được gần 5 tỷ đồng. 

Bước đầu, cơ quan công an xác nhận, N thực hiện trên 200 lần giao dịch rút tiền từ những trụ ATM khác nhau trên địa bàn TP.HCM với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. 

"Hiện chúng tôi đã thu hồi lại được 700 triệu đồng và đang xúc tiến thu hồi thêm 200 triệu nữa", cán bộ Công an quận 1, TP.HCM cho biết.

Theo Luật sư Hoàng Cao Sang - Đoàn Luật sư TP.HCM, nếu có bằng chứng chứng minh rằng phía chủ sở hữu số tiền chuyển nhầm hoặc cơ quan có trách nhiệm đã có yêu cầu trả lại số tiền, người nhận được tiền biết nhưng vẫn cố tình không trả lại hoặc tiêu xài số tiền đó thì người nhận được tiền đã có dấu hiệu vi phạm tội "chiếm giữ trái phép tài sản" theo điều 176 BLHS 2015.

Nếu người vi phạm bị xử lý hình sự về tội danh này thì ngoài hình phạt tù, người vi phạm sẽ phải trả lại, bồi thường cho chủ sở hữu số tiền bị chiếm đoạt.

Trường hợp người nhận được tiền chuyển nhầm chiếm giữ, sử dụng tiền khi chủ sở hữu và cơ quan chức năng chưa có động thái đòi lại tiền, hoặc có đòi lại nhưng (do nhiều nguyên nhân về phương tiện, cách thức liên lạc...) dẫn đến người nhận được tiền không hề biết thì trường hợp này việc làm của người nhận được tiền chưa đủ yếu tố để cấu thành tội phạm mà chỉ là vi phạm nghĩa vụ dân sự hoàn trả lại tài sản mình chiếm hữu - theo điều 579 Bộ luật dân sự năm 2015.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn