MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sẽ xem xét chủ trương kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ

Lam Duy LDO | 12/05/2020 14:48
Dù khẳng định thời gian 12 tháng là phù hợp với loại hình cho vay, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ xem xét chủ trương kéo dài hơn thời gian cơ cấu lại nợ.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 12.5 cho hay vừa có văn bản giải đáp nhiều thắc mắc của đại diện các doanh nghiệp, ngành nghề liên quan đến hoạt động hỗ trợ của các ngành ngân hàng theo Thông tư 01 được NHNN ban hành ngày 13.3.2020.

Trong số này, một số ý kiến cho rằng thời gian cơ cấu nợ tối đa chỉ 12 tháng là không phù hợp với các khoản vay dài hạn như đầu tư vào các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Theo đó đề xuất NHNN xem xét cho phép các ngân hàng được tự xác định thời gian cơ cấu.

Với kiến nghị này, đại diện NHNN cho hay, trong khoảng thời gian cơ cấu T+12 tháng theo quy định tại Thông tư 01, T được xác định là ngày cuối cùng mà khách hàng phải thanh toán toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi cho ngân hàng theo hợp đồng chứ không phải là ngày trả nợ cho từng kỳ hạn nhỏ trong hợp đồng hay thỏa thuận tín dụng.

Vì vậy quy định về thời gian 12 tháng nói trên đã đảm bảo tạo điều kiện tối đa cho các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ cho khách hàng và phù hợp với loại hình cho vay.

Tuy nhiên liên quan đến thời gian cơ cấu lại nợ, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ xem xét chủ trương kéo dài hơn thời gian cơ cấu lại nợ.

Trong khi đó liên quan đến phạm vi được cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01, các ngân hàng đề xuất NHNN mở rộng phạm vi áp dụng đối với tất cả các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các khoản cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ, bao thanh toán.

Tuy nhiên theo thống kê của NHNN đến giữa tháng 4.2020, tổng dư nợ cho vay của hệ thống chiếm đến 96,94%; trong khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm 2,47% và các hình thức cấp tín dụng khác chiếm 0,59%.

“Vì vậy Thông tư 01 chỉ quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với nợ phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính là phù hợp, đáp ứng được cơ bản nhu cầu khách hàng của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh” – đại diện NHNN khẳng định.

Tính đến cuối tuần qua, các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng đã giúp trên 215 nghìn khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ 130 nghìn tỉ đồng; 260 nghìn khách hàng được miễn giảm lãi suất cho với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng.

Đến nay, các ngân hàng cũng cho vay mới với lãi suất ưu đãi đạt 630 nghìn tỉ đồng cho 182 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch; miễn giảm phí thanh toán khoảng trên 1.000 tỉ đồng. Trong đó, riêng doanh nghiệp chiếm khoảng gần 80% tổng số đã được ngân hàng hỗ trợ.​

Như vậy so với cam kết ban đầu là khoảng 300 nghìn tỉ đồng, dư nợ cho vay mới với lãi suất ưu đãi tại các ngân hàng hiện đạt gấp hơn 2 lần.

Ngoài ra, NHNN cũng chủ động đề xuất với Chính phủ cho vay tái cấp vốn lãi suất 0% với số tiền tối đa là 16.000 tỉ đồng thông qua Ngân hàng chính sách xã hội nhằm giúp các doanh nghiệp có tiền trả lương cho lao động bị ngừng việc do dịch COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn