MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
FED đã tăng lãi suất thêm 0,25 phần trăm đúng như hầu hết dự đoán trước đó. Ảnh: XINHUA

Tác động nào từ việc FED tăng lãi suất thêm 0,25%?

QUÝ AN (dịch TH) LDO | 24/03/2023 06:40

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm. Cơ quan này đưa ra quan điểm thận trọng về cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện tại và cho biết, chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc.

Thị trường chứng khoán mất điểm ngay sau khi FED tăng lãi suất. Cổ phiếu của các ngân hàng khu vực ở Mỹ cũng giảm sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, các quan chức không xem xét "bảo hiểm toàn diện" cho tiền gửi ngân hàng.

Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia dẫn đầu mức thua lỗ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, giảm 0,86%, trong đó các công ty khai thác dẫn đầu mức giảm điểm. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,86% và Topix giảm 1,07%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất hơn 0,67%, với Kosdaq giảm 0,24%.

Chỉ số Hang Seng đi ngược xu hướng khu vực, tăng 0,2% trong giờ giao dịch đầu tiên cùng với các cổ phiếu công nghệ. Tại Trung Quốc, Shenzhen Component giảm 0,2% và Shanghai Composite giảm 0,3%.

Ở Mỹ, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm hơn 500 điểm, S&P 500 giảm mạnh hơn với 1,65% và Nasdaq Composite giảm 1,6%.

Lãi suất tăng có nghĩa là nhiều ngân hàng sẽ thu thêm được lợi nhuận từ khoản tiết kiệm của khách hàng cũng như thị trường tiền tệ, nhưng với tốc độ khác nhau.

Greg McBride, CFA, giám đốc phân tích tài chính của Bankrate cho biết: “Việc tăng lãi suất của FED sẽ giữ nguyên quỹ đạo đi lên của các tài khoản tiết kiệm, tài khoản thị trường tiền tệ và lãi suất chứng chỉ tiền gửi”.

Những người gửi tiết kiệm muốn tối đa hóa tiền lãi nên cân nhắc chuyển sang các ngân hàng trực tuyến hoặc các tổ chức tín dụng hàng đầu - nơi lãi suất thường tốt hơn nhiều so với lãi suất của các ngân hàng truyền thống.

Tỉ lệ thế chấp tại Mỹ vẫn cao hơn nhiều so với năm trước, tạo ra một cú sốc lớn hơn cho những người mua nhà tiềm năng. Giá nhà đắt hơn đã dẫn đến sự chậm lại trong thị trường nhà ở.

McBride phân tích: “Thông điệp của FED vừa gửi tới các nhà đầu tư là “những cú đánh sẽ được tiếp tục cho đến khi lạm phát được cải thiện”. Lãi suất cao hơn và ước tính thu nhập của người lao động giảm đi đồng nghĩa với thị trường chứng khoán và trái phiếu sẽ biến động”.

Năm 2022, lãi suất cao đã làm giảm giá trái phiếu. Thời gian đáo hạn càng dài, trái phiếu càng bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng. Giờ đây với việc các nhà đầu tư bắt đầu nhận ra FED sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách, thị trường trái phiếu dường như đã chạm đáy. Dù vậy, với nền kinh tế Mỹ vẫn chưa trải qua một cuộc suy thoái dự kiến, cổ phiếu vẫn có thể gặp khó khăn. Hiện tại, đối với những người ưa thích lãi suất ngắn hạn, một nơi trú ẩn tài sản an toàn để chờ mọi thứ hạ nhiệt là điều có thể cân nhắc.

Với những người đi vay mà không có nhu cầu kiếm tiền từ thị trường (chẳng hạn như đã thế chấp trong 30 năm với lãi suất cố định vào năm 2021 hoặc 2022), thì vẫn đang ở tình trạng tốt. Nhưng với những người vay mới, dù đó là thẻ tín dụng, khoản vay sinh viên, khoản vay cá nhân, khoản vay mua ôtô... thì đó sẽ là điều khó khăn. Bên cạnh những đối tượng vay mới, bất kỳ ai nợ với lãi suất thả nổi cũng đều cảm thấy nhức nhối.

Với khoản nợ quốc gia gần 32.000 tỉ USD, lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí của Chính phủ Mỹ khi đảo nợ và vay thêm tiền. Tất nhiên, Chính phủ đã được hưởng lợi trong nhiều thập kỷ từ việc giảm lãi suất. Dù lãi suất có thể tăng theo chu kỳ trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, nhưng đã giảm dần trong dài hạn.

Chừng nào lạm phát còn cao hơn lãi suất, Chính phủ Mỹ đang dần tận dụng lợi thế của lạm phát, thanh toán các khoản nợ trước đây bằng đồng USD ít giá trị hơn hiện nay. Đó là một triển vọng hấp dẫn đối với Chính phủ Mỹ, nhưng không phải với những bên cho vay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn