MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tài chính số tiềm năng lớn nhưng khuôn khổ pháp lý còn lỏng lẻo

Trà My LDO | 22/04/2023 21:09

Chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang đi quá chậm về mặt khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực kinh tế số, tài chính số.

Theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua vào tháng 2.2021, kinh tế số là “một trong những động lực tăng trưởng trong những thập kỷ tới, cho phép Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045”.

Hiện có khoảng 40 doanh nghiệp fintech hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Trong đó, 72% fintech kết hợp với các ngân hàng để cung cấp dịch vụ, 28% còn lại hoặc tự phát triển các dịch vụ mới, hoặc cạnh tranh với các nhân hàng.

Nói về tốc độ phát triển fintech của Việt Nam, phát biểu tại buổi tọa đàm “Tương lai Tài chính số Việt Nam”, ông Dương Quốc Anh nhận định: “Sự phát triển fintech của Việt Nam rất nhanh, tiềm lực lớn nhưng còn nhiều hạn chế, rủi ro cho các nhà đầu tư, do quy định pháp lý chưa rõ ràng”.

Nói về những khó khăn, ông Dương Quốc Anh cho rằng có 4 khó khăn chính.

Thứ nhất là khó khăn về nguồn nhân lực, khi fintech yêu cầu những nhân lực vừa am hiểu công nghệ thông tin vừa am hiểu tài chính, ngân hàng.

Thứ hai là chi phí đầu tư, vận hành vô cùng lớn. Có khoảng 10 ngân hàng lớn đầu tư mỗi năm khoảng 15.000 USD.

Thứ ba là khó khăn về pháp lý như quy định về fintech chưa rõ ràng chưa đồng bộ. Một số quy định về thủ tục; vấn đề xác định danh tính khách hàng; chưa có nguồn thông tin đảm bảo về kho dữ liệu; các quy định về hợp đồng điện tử, chữ ký số, tài sản số; các quy định về tố tụng, quyền sở hữu, hình sự cũng chưa rõ ràng.

Thứ tư là công tác bảo mật thông tin cho khách hàng là một vấn đề rất đáng ngại.

Ông Dương Quốc Anh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, những khó khăn về pháp lý như quy định về fintech chưa rõ ràng chưa đồng bộ khiến tài chính số của Việt Nam chưa phát triển hết tiềm năng. Ảnh VF

Ông Dương Quốc Anh cho rằng, quan trọng nhất là xây dựng 1 khuôn khổ pháp lý.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng: “Chúng ta đi quá chậm về mặt khuôn khổ pháp lý”.

TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, khẳng định việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) là cơ hội cho nền kinh tế bắt nhịp với chuyển đổi số.

"Các cải cách về chính sách và pháp luật cùng với các yếu tố khác nữa, sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam trong nhiều năm và thập kỷ tới. Khu vực công, do vậy, đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực nhằm hiện thực hoá các cơ hội về chuyển đổi số từ EVFTA", ông Lê Duy Bình nói.

EVFTA thúc đẩy quản trị công theo hướng hiện đại ở Việt Nam, đặc biệt thông qua phát huy vai trò của công nghệ thông qua chuyển đổi số và các dịch vụ chính phủ điện tử, số hóa dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và trong các lĩnh vực liên quan đến thương mại, đầu tư, hải quan, thuế, giao nhận và các lĩnh vực khác.

Về giải pháp cho vấn đề phát triển kinh tế, tài chính số tại Việt Nam, ông Lê Minh Nghĩa đề xuất cần phải đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để doanh nghiệp yên tâm tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn