MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tăng trưởng tín dụng có thể được điều chỉnh lên 16%

Trí Minh LDO | 29/08/2022 10:44
Trong báo cáo phân tích mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định áp lực nới room tín dụng đang mạnh, do đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể phải linh hoạt hơn trong việc cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị có điều chỉnh tăng trưởng tín dụng. Ảnh: LD 

Cụ thể, VDSC dẫn số liệu thống kê của NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6 đạt 9,4% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm trước. Diễn biến theo tháng cho thấy tín dụng tăng tốc khá mạnh cho đến cuối tháng 6, nhưng sau đó đã chững lại đáng kể do NHNN chưa cấp room tín dụng. Tính đến 15.8, tín dụng tăng hơn 9,6%; trong gần 1 tháng rưỡi, tín dụng chỉ tăng thêm gần 0,3 điểm %, là mức khá thấp so với mức tăng bình quân 1,6%/tháng trong nửa đầu năm.

Cuối tháng 7 vừa qua, NHNN cho biết vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, mức tăng so với cùng kỳ tính đến cuối tháng 6 đã là 17%. Trên cơ sở định hướng của NHNN, dư địa tín dụng từ nay đến cuối năm chỉ còn khoảng 457.450 tỉ đồng, chưa bằng 1/2 nhu cầu tín dụng từ đầu năm đến ngày 15.8.

Theo VDSC, từ năm 2013 đến nay, tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm thường cao hơn so với nửa đầu năm, chỉ trừ năm 2019. Điều này phù hợp với quy luật nhu cầu vốn mạnh hơn trong nửa cuối năm, tuy nhiên, năm 2022 có một đặc thù là năm phục hồi sau đại dịch, do đó, nhu cầu vốn đã tăng tốc mạnh trong giai đoạn đầu năm.

Trong 7 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng lần lượt 17,9% và 49,7% so với cùng kỳ. Điều này hàm ý rằng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và đầu tư mới vẫn còn khá lớn.

Xét theo lĩnh vực cho vay, hoạt động thương mại và hoạt động khác đóng góp hơn 70% vào tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong nửa đầu năm. Riêng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 14,1% so với cuối năm 2021, trong đó, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh chỉ tăng 8,2% nhưng tín dụng bất động sản phục vụ mục đích sử dụng tăng đến 17,2%, cao hơn đáng kể so với mức tăng tín dụng chung là 9,4%.

Đối với các lĩnh vực còn lại thì nhu cầu vay cho hoạt động công nghiệp tăng 7,6% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng 8,9% của cùng kỳ năm trước. Tín dụng vào các ngành nông nghiệp, xây dựng và vận tải ghi nhận sự phục hồi, lần lượt tăng 7,5%, 7,1% và 3,8% so với đầu năm.

“Diễn biến này cho thấy nhu cầu vay mua bất động sản đang dẫn dắt dòng chảy tín dụng, trong khi đó, cho vay đến các nhà phát triển bất động sản bị hạn chế bởi chính sách. Nhu cầu vốn cho hoạt động thương mại trở lại mạnh mẽ, các lĩnh vực còn lại có ghi nhận sự phục hồi về nhu cầu tín dụng nhưng chậm hơn” - VDSC nhận định.

Trên những cơ sở đó, nhóm phân tích đánh giá nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn sẽ ở mức cao, việc siết room tín dụng trong phần lớn thời gian của quý III sẽ phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và mở rộng của các doanh nghiệp trong thời gian còn lại của năm. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế.

“Sắp tới, chúng tôi kỳ vọng NHNN có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, tăng trưởng tín dụng cả năm ước có thể đạt 16%” - chuyên gia của VDSC cho hay.

Trước đó, chiều tối ngày 24.8.2022, Ban lãnh đạo NHNN đã có cuộc họp nội bộ bàn về tăng trưởng tín dụng năm 2022 giữa lãnh đạo các Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan Thanh tra - Giám sát ngân hàng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Dự báo thống kê, Vụ Truyền thông. 

"Chậm nhất là đầu tuần sau sẽ thông báo về điều chỉnh phần còn lại của room tín dụng trong con số 14% mà NHNN đã định hướng từ đầu năm để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%" - Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn