MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường đã bước đầu xuất hiện một số thông tin tích cực có thể tạo tiền đề để khôi phục dòng tiền vào chứng khoán. Ảnh minh họa: TL.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ lấy lại đà hồi phục?

LÂM ANH LDO | 12/11/2022 11:56

Báo cáo lạm phát mới được công bố của Mỹ khiến thị trường suy đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, chỉ số Dow Jones và chứng khoán Châu Á đều có phiên tăng vọt sau thông tin này. Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index cũng hồi phục sau phiên mất hơn 38 điểm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 10 lần đầu tiên dưới 8% trong 8 tháng qua đã dấy lên tín hiệu lạc quan về áp lực giá cả đang bắt đầu giảm xuống, ngay sau đó chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJI) tăng vọt hơn 1.200 điểm (+3,7%), mạnh nhất kể từ đầu tháng 6.2020, đây là lần thứ 16 DJI tăng trên 3% trong kể từ năm 2012.

Dữ liệu lịch sử trong những năm qua cho thấy chứng khoán Việt Nam thường diễn biến khá tích cực sau những lần DJI bứt phá. Trong 15 lần DJI tăng trên 3% trong 10 năm trở lại đây, VN-Index có đến 13 lần tăng điểm ngay phiên sau đó (xác suất lên đến 87%).

Dù thống kê chỉ mang tính chất tham khảo nhưng việc chứng khoán Mỹ khởi sắc cũng phần nào giúp nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam có thêm niềm tin sau phiên giảm mạnh nhất thế giới vào ngày 10.11. Thực tế,  chứng khoán Việt Nam cũng đã có dấu hiệu hồi phục vào chiều ngày thứ 6 (11.11), chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,77%.

Sau khi số liệu mới được công bố, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ ngay lập tức sụt giảm, trong khi thị trường chứng khoán tăng mạnh và chỉ số đồng USD giảm. Dấu hiệu hạ nhiệt của lạm phát tại Mỹ được kỳ vọng sẽ mở đường cho Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể nới lỏng chính sách tiền tệ sau 4 lần tăng lãi suất 0,75 điểm % liên tiếp. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % vào tháng 12 và dự báo lãi suất sẽ xuống dưới 5% sau khi chạm đỉnh vào năm tới.

Theo đó, những tín hiệu tích cực từ Fed có thể sẽ tạo thêm dư địa để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Điều này được kỳ vọng sẽ cải thiện dòng tiền vào chứng khoán trong thời gian tới.

Hiện tại, P/E dự phóng cuối năm của thị trường Việt Nam khá thấp so với các nước trên thế giới, theo mức dự phóng đồng thuận của thị trường được thống kê bởi Bloomberg. Chỉ số định giá P/E của VN-Index quanh mức 10–10,7 lần, ngưỡng trung bình 10 năm trừ đi hai độ lệch chuẩn, là cơ hội tốt để tích lũy các cổ phiếu có tính chất phòng thủ và có định giá hấp dẫn.

Dấu hiệu hồi phục cũng khả quan hơn thì dòng tiền vốn ngoại bắt đầu trở lại. Tính chung cả tuần giao dịch vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 4.000 tỉ đồng. Riêng phiên giao dịch ngày cuối tuần 11.11, khối ngoại mua nhiều nhất ba cổ phiếu STB, KDH và HPG giá trị lần lượt 403 tỉ đồng; 388 tỉ đồng và 224 tỉ đồng. Quy mô giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài do đó đã tăng lên đáng kể, chiếm tỷ trọng hơn 30% toàn thị trường.

Theo SGI Capital, thị trường đã đi sâu vào vùng quá bán tương ứng với vùng định giá rẻ lịch sử. Quỹ đầu tư này nhấn mạnh, bản chất của TTCK luôn là biến động mạnh và rất khó dự báo ngắn hạn, nhà đầu tư vượt qua được giai đoạn khủng hoảng hiện nay và bám trụ lại sẽ gặt hái được thành quả lớn khi thị trường và nền kinh tế quay trở lại chu kỳ tăng trưởng.

CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá, đây là thời điểm hợp lý để tích lũy những cổ phiếu có nội tại tốt, kết quả kinh doanh tích cực và thanh khoản cao. Với dự phóng tăng trưởng EPS của toàn thị trường trên 20%, TPS ước tính mức P/E forward 2022 chỉ tương đương 9,x.

So với các quốc gia trong khu vực, TTCK Việt Nam đang hết sức hấp dẫn với P/E forward 2022 ở mức gần như thấp nhất nhưng lại có mức tỉ lệ giữa lợi nhuận của công ty trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) thuộc nhóm cao nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn