MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần đẩy mạnh truyền thông để người dân tiếp cận các kênh tín dụng chính thức (ảnh minh hoạ). Ảnh: Gia Miêu

Thúc đẩy cho vay tiêu dùng, ngăn người dân rơi vào bẫy tín dụng đen

Tuyết Lan LDO | 18/11/2023 12:35

Kênh tín dụng tiêu dùng góp phần giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế tiếp cận được các dòng vốn chính thức. Tuy nhiên, gần đây hầu hết các công ty tài chính chính thống đều gặp khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao. Trong khi đó tín dụng đen, lãi suất cao lại đang có những thủ đoạn mới, gây ra nhiều hệ lụy.

Tín dụng tiêu dùng gặp khó

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Kinh tế cho biết, thời gian qua nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp trì trệ, ngưng hoạt động khiến thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Người lao động gặp khó khi vay tiền tại các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, tạo cơ hội cho tín dụng đen hoành hành.

"Bàn về nguyên nhân, thứ nhất, ngân hàng và các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính không thể cho vay quá "mạnh tay", nếu như khách hàng không bảo đảm được nguồn tài chính trả nợ. Muốn vay ngân hàng thì người lao động cần có tài sản đảm bảo. Thứ hai, nếu nguồn trả nợ là thu nhập của khách hàng bị ảnh hưởng có thể xem xét tới giải pháp có bảo lãnh hoặc cam kết trả nợ của một bên.

Ngoài ra, hiện nay thị trường tín dụng đen hoạt động sôi nổi cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc mạnh mẽ đẩy lùi mạng lưới tín dụng đen. Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước cần có những chương trình tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng với tần suất thường xuyên để cảnh báo người dân không dính bẫy tín dụng đen. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần có những chương trình hỗ trợ người dân, đặc biệt là những người lao động có thu nhập thấp" - ông Hiếu cho hay.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết, dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng các công ty tài chính vẫn chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai cho vay tiêu dùng đối với những đối tượng dưới chuẩn. Từ đó đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động có thu nhập thấp nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi tín dụng đen.

"Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường tín dụng tiêu dùng đang gặp khó khăn. Nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10% cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao" - TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan mà chưa có chế tài xử lý, đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cho cán bộ dùng biện pháp manh động để đòi nợ.

Bên cạnh đó tình trạng tín dụng đen núp bóng cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh ngân hàng, công ty tài chính… khiến người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính được cấp phép chính thống, đâu là tín dụng đen.

Mở rộng kênh cho vay chính thống, ngăn tín dụng đen "hoành hành"

Chia sẻ về những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai rất nhiều giải pháp tín dụng, cải cách thủ tục hành chính giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

"Để tạo thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận vốn cho người dân, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, khuyên khích các tổ chức tín dụng tăng cường các biện pháp xác thực khách hàng vay vốn để tránh rủi ro và thu hồi nợ tốt hơn" - bà Tùng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn