MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trái phiếu bất động sản dân cư đang được đánh giá là có tỉ lệ rủi ro cao. Ảnh: Bảo Chương

Tỉ lệ trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm còn thấp

Gia Miêu LDO | 15/06/2024 10:30

Ước tính có khoảng gần 7 nghìn tỉ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 6.2024 có rủi ro không trả được nợ gốc đúng hạn.

Theo báo cáo của tổ chức VIS Rating, trong tháng 5.2024, giá trị trái phiếu chậm trả phát sinh mới tăng lên 1.000 tỉ đồng do một trái phiếu chậm trả lãi. Tỉ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường cuối tháng 5.2024 ở mức 16,1%, tăng 1% so với cuối năm 2023. Khoảng 65% lượng trái phiếu chậm trả gốc/lãi đến từ nhóm ngành bất động sản dân cư, với tỉ lệ chậm trả gốc lãi của riêng nhóm ngành này là 31%.

Trong tháng 5.2024, có 2 tổ chức phát hành là Tập đoàn Novaland và Hưng Thịnh Land đã thực hiện hoán đổi tài sản để hoàn trả một phần nợ trái phiếu chậm trả với tổng giá trị hoán đổi là 125 tỉ đồng.

Ngoài ra, có 7 tổ chức phát hành chậm trả thuộc nhóm ngành bất động sản dân cư, năng lượng và xây dựng đã thực hiện thanh toán một phần gốc trái phiếu cho trái chủ.

Trong tháng 6.2024, có 41 mã trái phiếu thuộc 34 tổ chức phát hành trị giá 23.000 tỉ đồng sẽ đáo hạn. Trong đó, VIS Rating ước tính khoảng 6.900 tỉ đồng, tương đương 30% có nguy cơ chậm trả nợ gốc/lãi trong tháng 6.2024.

Trong số trái phiếu có rủi ro cao, có khoảng 5.800 tỉ đồng chủ yếu bao gồm DCT Partners Việt Nam, Đầu tư và Bất động sản Ngọc Minh, Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova và Hưng Thịnh Land phát hành đã chậm trả lãi coupon trong năm 2023.

“Chúng tôi đánh giá rằng các tổ chức phát hành này có khả năng cao sẽ chậm trả nợ gốc do dòng tiền yếu và nguồn tiền mặt cạn kiệt”, VIS Rating đưa quan điểm.

Trong khi 1.100 tỉ đồng trái phiếu còn lại có rủi ro cao chậm trả lần đầu thuộc các tổ chức phát hành nhóm ngành bất động sản dân cư. VIS Rating lưu ý rằng, các tổ chức phát hành này có biên lợi nhuận trung bình trong 3 năm qua thấp hơn 10% hoặc thậm chí bị âm và nguồn tiền để trả nợ đến hạn ở mức cạn kiệt.

Trong 12 tháng tới, VIS Rating cho biết khoảng 19% trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị là 216.000 tỉ đồng sẽ đáo hạn. Ước tính 9% trong số này là trái phiếu có rủi ro chậm trả cao, chủ yếu ở các ngành bất động sản dân cư và xây dựng.

Những dấu hiệu tích cực đã xuất hiện trên thị trường trái phiếu khi hoạt động phát hành bắt đầu sôi động trở lại. Dù vậy, thị trường vẫn chưa cho thấy sự cải thiện về niềm tin khi lượng trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm ở mức thấp. Tỉ lệ trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm ở nước ta còn thấp.

Theo FiinRatings, tỉ lệ trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng ở các quốc gia ASEAN là 51%, cao nhất là Indonesia, Thái Lan, Malaysia (54-82%). Trong khi đó, tại Việt Nam, năm 2023 chứng kiến sự đột phá về khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi các tổ chức đã được xếp hạng trên thị trường với 26.700 tỉ đồng, gấp hơn 10 lần giá trị năm 2022, song chỉ chiếm khoảng 9% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, có 30 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá hơn 27.000 tỉ đồng, song lượng trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm chỉ chiếm 7,5% giá trị phát hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn