MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NHNN tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng bất động sản. Ảnh: PV

Tín dụng chảy vào bất động sản tiếp tục được “siết”

H.M LDO | 29/05/2018 08:00
NHNN cho biết cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Tín dụng bất động sản quý I/2018 chỉ tăng 3,65% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 7,34%. Báo cáo kết quả hoạt động trong thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi tới đại biểu Quốc hội cho biết, tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tăng thấp hơn so với cùng kỳ: tháng 3.2018 tăng 3,65% so với cuối năm 2017, chiếm tỉ trọng 6,57% (cùng kỳ 2017: tăng 7,34%; tỉ trọng 6,8%).

Hiện nay, tín dụng từ ngân hàng cho lĩnh vực bất động sản đang được thắt chặt. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá tín dụng vẫn đổ sang lĩnh vực bất động sản thông qua hình thức vay tiêu dùng. Một chuyên gia cho biết: “Các ngân hàng hiện tại không chỉ là kênh cung vốn cho các doanh nghiệp bất động sản - nguồn cung, mà còn hướng tới những nhà đầu tư, người tiêu dùng có nhu cầu mua bất động sản”. Tín dụng bất động sản hiện chỉ chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng cả nước, nhưng “núp bóng” tín dụng tiêu dùng. Đáng chú ý, tín dụng tiêu dùng đến tháng 3.2018 tăng 3,8% so với cuối năm 2017, chiếm tỉ trọng 17,42% (cùng kỳ 2017: tăng 6,73%, chiếm tỉ trọng 14,92%).

Trước đó, NHNN đã có động thái quyết liệt khi yêu cầu các ngân hàng hạn chế tập trung vốn cho vay vào lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản. Ngoài ra các ngân hàng phải thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp. Với lĩnh vực vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh. Đặc biệt các ngân hàng phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn, tránh cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.

Nhìn lại năm 2017, trả lời PV báo chí, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho biết, “Với bức tranh thị trường bất động sản hiện nay, có thể thấy thị trường bất động sản đang được quản lý - vận hành đúng hướng, an toàn, chưa có dấu hiệu “bong bóng bất động sản” như một số ý kiến lo ngại. Tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng trong giới hạn an toàn, năm 2017, tổng dư nợ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là gần 450.000 tỉ đồng. Dư nợ cho vay bất động sản chiếm tỉ trọng khoảng 6% tổng dư nợ nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cho vay bất động sản khoảng 8,5% - ông Nguyễn Trần Nam nói.

Năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế, đồng thời thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD.

Ngoài ra, chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (như kinh doanh bất động sản, chứng khoán…), đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Theo số liệu của NHNN, nguồn vốn tín dụng đã được khơi thông và tăng trưởng đều trong năm, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, đến ngày 27.4.2018, tín dụng tăng 5,05% so với cuối năm 2017, cùng với mặt bằng lãi suất được giữ ổn định đã đáp ứng tốt cho nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đồng thời tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn