MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
3 khối nhà thuộc dự án Handico 3 Sài Đồng được xây dựng và hoàn thành từ năm 2007 với 150 căn hộ tái định cư. Từ năm 2007 đến nay, cả 3 tòa chung cư không có người dân dọn đến sinh sống. Ảnh: P.V

Toà tái định cư bị bỏ hoang tại Hà Nội: Không phải muốn phá dỡ là được!

THÔNG CHÍ LDO | 26/10/2017 13:00
Trao đổi với Lao Động chiều 25.10, ông Nguyễn Trí Dũng - Phó GĐ Sở Xây dựng - cho biết, trước đề xuất của Cty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) về phá dỡ 3 toà tái định cư tại khu đô thị mới Sài Đồng (Long Biên), Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư tính toán cụ thể hai phương án giữa phá dỡ và cải tạo để sử dụng tiếp. “Không phải muốn phá dỡ là được.

Phải có so sánh giữa các phương án phá dỡ hay cải tạo để sử dụng tiếp, chủ đầu tư phải báo cáo để báo cáo UBND TP.Hà Nội quyết định” - Phó GĐ Sở Xây dựng nói. 

3 toà nhà bỏ hoang 10 năm

Cty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) vừa đề xuất thành phố cho phép phá bỏ toàn bộ 3 toà nhà tái định cư xây dựng tại khu đô thị mới Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Lý do của đề xuất trên là do cả 3 tòa nhà này đã được xây dựng và hoàn thành hơn 10 năm nay nhưng không có người nhận và đến ở.

Đây là dự án nhà tái định cư tại chỗ của dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng do Hanco 3 làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2001-2006. Do một số hộ dân không đồng ý việc nhận tái định cư bằng căn hộ mà phải là đất nền, nên dẫn đến tính trạng khiếu kiện, người dân không nhận nhà.

Do đó, Hanco 3 cho rằng, việc phá dỡ 3 tòa nhà này sẽ tránh được tình trạng lãng phí. Sau khi phá dỡ, chủ đầu tư sẽ xây dựng nhà thương mại phục vụ tái định cư theo đặt hàng của thành phố.

Được biết, 3 toà nhà tái định cư này triển khai từ khi chưa thành lập quận Long Biên. Trong khi đó, quy định việc bồi thường của một dự án thuộc quận khác với huyện nên dẫn đến sự không thống nhất được giữa chủ đầu tư và người dân.

Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng đã giới thiệu người dân một số dự án giải phóng mặt bằng vào, nhưng người dân vẫn từ chối không nhận quỹ nhà này. Nguyên nhân do đến nay những căn hộ này đã không phù hợp về thiết kế, hạ tầng, chất lượng xây dựng.

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay còn tới gần 1.000 căn hộ tái định cư đã xây xong từ lâu nhưng chưa bàn giao được cho người dân. Nguyên nhân do nhiều dự án giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, khiếu kiện, như dự án đường vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), đường sắt trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội, một phần đường vành đai 3.

“Theo Luật Đất đai, khi giải phóng mặt bằng thì phải có địa chỉ nhà tái định cư cụ thể. Nhưng hầu hết dự án giải phóng mặt bằng bị chậm dẫn đến tình trạng nhà xây xong mà không có người nhận, để xuống cấp. Đây là bất hợp lý rất lớn trong chính sách về tái định cư hiện nay cần sớm được khắc phục” - Sở Xây dựng kiến nghị.

Vẫn chưa được phá dỡ

Trước đề xuất của chủ đầu tư, Thành ủy Hà Nội đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư lập kế hoạch đối với hai phương án. Một là, cải tạo, sửa chữa khu nhà để làm nhà ở xã hội. Hai là, phá bỏ hoàn toàn để xây dựng quỹ nhà mới.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về đề xuất của Hanco 3, ông Nguyễn Trí Dũng - Phó GĐ Sở Xây dựng - cho rằng, sau khi nhận được chỉ đạo từ Thành uỷ Hà Nội, Sở Xây dựng đã họp với chủ đầu tư. “Đến giờ phải khẳng định là chưa chọn phương án phá dỡ. Sở Xây dựng yêu cầu Hanco 3 báo cáo chi tiết về các phương án, một là tháo dỡ, hai là cải tạo lại để tiếp tục sử dụng.

Sau khi có phương án từ chủ đầu tư, Sở Xây dựng sẽ xin ý kiến các sở, ngành khác để báo cáo UBND TP.Hà Nội. Vậy nên, đây mới chỉ là đề xuất từ chủ đầu tư, việc phá dỡ hay không thì phải chờ nhiều ý kiến” - ông Dũng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn