MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) có 2 đợt phát hành trái phiếu trong tháng 4.2020, huy động 2.000 tỉ đồng. Ảnh: Lam Duy

Trái phiếu ngân hàng tăng vọt hơn 15 lần

Lam Duy LDO | 17/05/2020 15:28

Chỉ riêng trong tháng 4, lượng trái phiếu được các ngân hàng phát hành gấp tới hơn 15 lần lượng phát hành 3 tháng đầu năm.

Dữ liệu thị trường vừa được Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố cho thấy, lượng phát hành mới của trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4 đạt tới 30.121 tỉ đồng, gần bằng mức 35.550 tỉ đồng trong cả 3 tháng đầu năm 2020.

Đáng chú ý tại các ngân hàng, sau lượng phát hành rất thấp trong quý I/2020, các ngân hàng đã quay trở lại và phát hành lượng trái phiếu tương đối lớn trong tháng 4.

Cụ thể, các ngân hàng đã huy động hơn 14.400 tỉ đồng với kỳ hạn bình quân 4,4 năm. Con số này tăng mạnh tới 15,3 lần so với mức 940 tỉ đồng được các ngân hàng phát hành trong cả quý I/2020.

"Theo đó, ngân hàng chiếm 47,83% tỉ trọng phát hành, tăng vọt so với tỉ trọng 2,3% trong quý I/2020" - BVSC đánh giá.

Số lượng phát hành tăng mạnh cũng đưa ngân hàng lên vị trí nhóm ngành dẫn đầu về tổng lượng phát hành trái phiếu trong tháng 4.2020. Xếp tiếp theo sau là lĩnh vực bất động sản với tổng giá trị phát hành gần 9.650 tỉ đồng, chiếm 32,04%.

Điển hình trong số này là Ngân hàng BIDV với 9 đợt phát hành, huy động hơn 5.900 tỉ đồng; tiếp theo là VIB 2 đợt phát hành, huy động 2.000 tỉ đồng, hay HDBank (1.700 tỉ đồng); VPBank (1.200 tỉ đồng); SHB và MaritimeBank (đều huy động 1.000 tỉ đồng). 

Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm, nhóm bất động sản vẫn là nhóm có tổng lượng phát hành nhiều nhất đạt 29.213 tỉ đồng (tương đương hơn 44%).

Trong khi đó, nhóm ngân hàng do 3 tháng đầu năm phát hành khối lượng tương đối thấp nên tổng lượng phát hành chỉ khoảng 15.390 tỉ đồng (khoảng 23,47%) 

Theo đánh giá của BVSC, trong bối cảnh huy động vốn từ kênh ngân hàng của doanh nghiệp vẫn còn tương đối khó khăn khi gói hỗ trợ tín dụng vẫn còn chưa đến được với nhiều doanh nghiệp thì kênh trái phiếu được dự báo vẫn tiếp tục sôi động trong thời gian tới.

Việc Ngân hàng Nhà nước mới đây thực hiện giảm lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất huy động sẽ khiến kênh trái phiếu doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn tương đối khi mức lãi suất ở mức cao hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể hạn lãi suất trái phiếu nhằm giảm chi phí vốn trong thời gian tới. 

Liên quan đến hoạt động mua bán trái phiếu, Ngân hàng Nhà nước hiện đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Cơ quan ngân hàng trung ương theo đó đang xem xét việc cấm các ngân hàng đang có tỉ lệ nợ xấu trên 3% mua bán trái phiếu doanh nghiệp nhằm hạn chế nợ xấu có thể phát sinh thêm, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng tại các ngân hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn