MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà đầu tư chứng khoán năm sau nên cân nhắc mua vào ở những nhịp điều chỉnh hơn là mua đuổi. Ảnh: Đức Mạnh

Triển vọng chứng khoán 2024 sẽ phụ thuộc vào sự khơi thông nhiều thị trường

Đức Mạnh LDO | 08/12/2023 07:41

Tăng trưởng GDP, khơi thông thị trường bất động sản, áp lực đáo hạn trái phiếu, nâng hạng thị trường chứng khoán... sẽ là những câu chuyện chi phối tới triển vọng của chứng khoán năm 2024.

Thị trường chứng khoán sẽ có xu hướng tăng

Chứng khoán là "hàn thử biểu" của nền kinh tế, do đó triển vọng dài hạn của thị trường này năm 2024 sẽ phụ thuộc lớn vào mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,0 - 6,5% đã đề ra.

Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Phương Lam - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) - đánh giá, động lực tăng trưởng dự báo sẽ tới từ sản xuất và xuất nhập khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cầu tiêu dùng nội địa cải thiện...

Bên cạnh triển vọng đến từ kinh tế vĩ mô, bà Phương Lam cho rằng, "mảng xám" của thị trường chứng khoán năm sau sẽ liên quan đến thanh khoản và số lượng trái phiếu đáo hạn của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế.

"Nếu thị trường bất động sản chưa thể khơi thông thì đây sẽ là rủi ro cho thị trường. Ngoài ra, thị trường chứng khoán vẫn còn thiếu câu chuyện để thu hút dòng tiền lớn của nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Nhìn chung, tôi dự báo chứng khoán năm sau có xu hướng tăng, tuy nhiên sẽ biến động tương tự như giai đoạn năm nay, tức là có thể lên rất cao sau đó chạm đáy nhanh" - bà Phương Lam nói.

Chuyên gia từ VDSC nhấn mạnh, khi có sự tham gia dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài, thị trường mới bớt những phiên biến động mạnh như hiện nay. Động lực sẽ là gỡ bỏ các vướng mắc của thị trường bất động sản như thông qua các luật quan trọng, cũng như quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán có thêm bước tiến mới.

Kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng tích cực

Nhận định về năm 2024, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu tại SSI Research - ông Đào Minh Châu dự báo, tổng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng 17% so với mức giảm 3% của 2023. Mức tăng trưởng sẽ đến từ nhiều nhóm ngành hơn như bán lẻ, thép, phân bón, thủy sản... Dù vậy, mặt bằng định giá hiện tại đã phản ánh một phần triển vọng phục hồi lợi nhuận. Do đó, nhà đầu tư cân nhắc mua vào ở những nhịp điều chỉnh hơn là mua đuổi.

Còn bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu tại FiinGroup - có góc nhìn thận trọng hơn khi dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 sẽ đạt khoảng 8 - 10%.

Cụ thể, bà Vân kỳ vọng ngành sản xuất, xuất khẩu và xây dựng hạ tầng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung. Nhóm công nghệ thông tin được sự hỗ trợ nhờ tiến trình chuyển đổi số và xu hướng AI đang kích thích chi tiêu cho phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. Nhóm bất động sản khu công nghiệp được dự báo tích cực nhờ kỳ vọng FDI vào Việt Nam cải thiện.

Nhóm dầu khí có cơ hội khi giá dầu dự báo neo ở mức cao trong năm 2024. Nhóm xuất khẩu gồm thuỷ sản, dệt may có cơ hội khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu chính dần hồi phục và các nhà bán lẻ tăng nhập khẩu. Nhóm thép có thể hưởng lợi từ xuất khẩu cải thiện. Nhóm Hóa chất với nhu cầu tiêu thụ thiết bị bán dẫn toàn cầu có thể sẽ tăng mạnh.

Chiều ngược lại, chuyên gia FiinGroup dự báo nhóm ngành ngân hàng, bất động sản dân cư, bán lẻ và phân bón sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận kém tích cực trong năm 2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn