MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu Bộ Tài chính dám dùng chính sách thuế để chống lạm phát chi phí đẩy, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể nới thêm room tín dụng năm nay.

TS Lê Xuân Nghĩa: “Ngân hàng Nhà nước có thể nới room tín dụng lên 15-16%"

Lan Hương LDO | 25/08/2022 17:08

Cạn room tín dụng - câu chuyện nóng nhất trong giới ngân hàng thời gian gần đây. Không còn dư địa cho vay, nhiều ngân hàng xoay xở đủ đường trong chiếc vòng chật hẹp. Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu Bộ Tài chính dám dùng chính sách thuế để chống lạm phát chi phí đẩy, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể nới thêm room tín dụng năm nay.

“Nhiều ngân hàng đang cạn kiệt room tín dụng, nhưng vẫn chưa biết có được nới hay không. Vấn đề là, hiện lạm phát của Việt Nam là do chi phí đẩy (chủ yếu do nhập khẩu), do đó, muốn chống lạm phát chi phí đẩy thì phải giải pháp về thuế (giảm thuế để giảm lạm phát chi phí đẩy). Nếu không chống được lạm phát do chi phí đẩy, không dám sử dụng biện pháp về thuế, tài khóa để chống lạm phát, giảm nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài vào thì không thể nới room tín dụng” - TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, phân tích.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, hiện Việt Nam không có yếu tố lạm phát nội tại, không in thêm tiền, không phát hành tiền cho ngân sách chi tiêu. Khi giảm được lạm phát chi phí đẩy, chúng ta có cơ hội xem xét tăng trưởng trở lại một chút room tín dụng.

Dẫn số liệu tăng trưởng tín dụng của Mỹ bình quân trong vòng 3 năm vừa qua là 14%, TS. Nghĩa cho rằng, nếu tín dụng Mỹ tăng trưởng ở mức này thì tăng trưởng tín dụng Việt Nam năm nay ở mức 15-16% là có thể chấp nhận được.

Mặc dù vậy, TS. Nghĩa cũng rất thông cảm với sự thận trọng nới room của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Bởi chỉ khi lạm phát được kiểm soát vững chắc, việc nới room lên 15% hoặc 16% mới an toàn. 

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia - cho rằng, "Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Không nên chờ đến quý IV, cuối năm khi tăng trưởng tín dụng và lạm phát "êm" rồi mới nới room tín dụng vì như vậy quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp", 

Trao đổi với Phóng viên Báo Lao Động, TS Nguyễn Tuấn Anh - nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, hiện là Phó Trưởng ban Công tác Đại biểu Quốc hội thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chánh Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội - cho biết: “Hiện dư địa tăng trưởng tín dụng còn khá lớn (4 tháng cuối năm còn khoảng 4,42%, tương đương gần 500.000 tỉ đồng). Tôi tin Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng trong biên độ điều hành 14%. Việc điều chỉnh tuân thủ theo nguyên tắc tổ chức tín dụng nào có “thể chất” tốt hơn, tín dụng lành mạnh hơn, tham gia đóng góp nhiều hơn vào các mục tiêu chung của hệ thống và chủ trương của Chính phủ sẽ được ưu tiên nới room tín dụng”.

Cạn “room tín dụng” là câu chuyện nóng trong hệ thống ngân hàng. Trong vòng hơn 1,5 tháng qua, tín dụng ngành ngân hàng chỉ tăng 0,27%. Nhiều sếp lớn ngân hàng cho hay, đã cạn room tín dụng cho vay từ lâu. 

VPBank đã dùng hết room tín dụng được tạm cấp khi kết thúc quý II/2022. Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư, Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank Lưu Thị Thảo chia sẻ, nhiều ngân hàng đã dùng hết room tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Tổng Giám đốc ABBank - cho biết: “Hết tháng 6.2022, ABBank đã sử dụng 99% hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước thông báo từ đầu năm. Vào giai đoạn cuối năm, chúng tôi đang kỳ vọng sẽ có được sự mở rộng room tín dụng cho ABBank, chúng tôi đã có công văn gửi NHNN nới room tín dụng cho ngân hàng”.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank, ngân hàng năm nay được tạm cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 10%, nhưng chỉ sau chưa đầy nửa năm, tăng trưởng thực tế đã đạt xấp xỉ mức trần này. 

MBBank tăng trưởng riêng cho vay khách hàng đến cuối tháng 6 là 14,25%, xấp xỉ mức trần tín dụng 15% được NHNN cấp. Tại ACB, tăng trưởng cho vay khách hàng đạt trên 9,8% trong số 10%.

Xem thêm bài phân tích của các chuyên gia về chủ đề nới room tín dụng:

-  Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới room tín dụng, "bank" nào được gọi tên?         TẠI ĐÂY

- TS Cấn Văn Lực:  "Ngân hàng Nhà nước đợi cuối năm mới nới room tín dụng là quá trễ"      TẠI ĐÂY

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn