MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
World Bank ước tính việc nâng hạng thị trường chứng khoán có thể mang lại tới 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế. Ảnh: Đức Mạnh

Vá lỗ hổng để thị trường chứng khoán đón dòng vốn tỉ USD

Đức Mạnh LDO | 02/03/2024 08:56

Kể từ tháng 9.2018, chứng khoán Việt Nam đã lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell lên thị trường mới nổi và được MSCI theo dõi xem xét định kỳ. Đến nay, "chiếc áo" thị trường cận biên đã quá chật khi cổ phiếu Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số FM và đạt đến giới hạn có thể kỳ vọng trong rổ chỉ số cận biên.

Khát vọng nâng cấp thị trường chứng khoán là bước đi chiến lược

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang gần tiệm cận tới các tiêu chuẩn để nâng hạng lên trường mới nổi (EM) của FTSE Russell với 7/9 tiêu chí, còn với MSCI thì khó khăn hơn khi chỉ đáp ứng được 9/18 tiêu chí.

Nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ giúp Việt Nam chạm đến những tiêu chuẩn của thị trường tài chính toàn cầu. Từ đó thu hút thêm dòng vốn ngoại, góp phần hiện thực hoá mục tiêu, quy mô vốn hóa cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian gần đây, khi tiếp xúc với các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế, họ đều bày tỏ nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng thì dòng vốn vào Việt Nam tăng lên rất nhiều.

Ông Ketut Ariadi Kusuma - Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam - đánh giá khát vọng của Việt Nam trong việc nâng cấp TTCK lên thị trường mới nổi là bước đi chiến lược, phù hợp với tham vọng lớn hơn là chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

World Bank ước tính việc nâng hạng TTCK có thể mang lại tới 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.

Bản thân phía các công ty chứng khoán cũng đang chờ đợi thời điểm TTCK Việt Nam được nâng hạng (dự kiến tháng 9.2024). Biểu hiện là cuộc đua tăng vốn để đón đầu, đáp ứng nhu cầu đầu tư trong tương lai gần.

Tập trung giải quyết các vấn đề liên quan

Để đạt mục tiêu nâng hạng TTCK lên thị trường mới nổi, ông Ketut Ariadi Kusuma đề xuất Việt Nam xem xét giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn. Giải pháp bao gồm cải thiện công bố thông tin, tăng tiếp cận với các cổ phiếu đã đạt đến giới hạn và quan trọng nhất là tăng giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, cần có một môi trường đầu tư lành mạnh trên toàn cầu, ước tính tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm 8 - 12 tỉ USD đầu tư cho đến năm 2030.

World Bank cũng nhấn mạnh rằng việc phát triển cơ sở nhà đầu tư trong nước rất quan trọng để đồng hành và cân bằng dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.

Một khoản phân bổ khiêm tốn vào chứng khoán doanh nghiệp của các quỹ này có thể đồng nghĩa với việc có thêm hàng tỉ USD tài trợ cho khu vực doanh nghiệp.

Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - cho hay: "Chúng ta phải sửa một số điều của Nghị định 155 và một số văn bản của Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Chúng tôi hy vọng trong thời gian sớm nhất sẽ trình các cấp có thẩm quyền để sửa đổi các quy định đó, hạn chế rủi ro, đảm bảo tính công bằng, công khai và minh bạch trên thị trường".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn