MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng. Ảnh: HHNH

Vay rồi quỵt nợ, tỉ lệ nợ xấu công ty tài chính tiêu dùng tăng cao

Hương Nguyễn LDO | 16/11/2023 17:47

“Vay trốn nợ, quỵt nợ, đặc biệt thu hồi nợ đang là vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng”, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết.

Phát biểu tại hội thảo “Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng và vấn đề thu hồi nợ hiện nay” ngày 16.11, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng được đánh giá là một lĩnh vực tiềm năng. Tại các nước phát triển, tỉ lệ tín dụng tiêu dùng ở mức cao. Tại Việt Nam, khi điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân ngày càng tăng, vượt qua ngưỡng của các nước đang phát triển thì việc vay tiêu dùng và cho vay phục vụ tiêu dùng là nhu cầu hết sức khách quan và cần thiết của xã hội.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng "Nếu như tín dụng chính thức giảm bao nhiêu thì tín dụng đen có cơ hội phát triển". Ảnh: HHNH

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, hiện nay quan hệ cho vay giữa công ty tài chính với người vay đang không tích cực. Vay trốn nợ, quỵt nợ, đặc biệt thu hồi nợ đang là vấn đề nhức nhối. Hơn nữa, nếu như tín dụng chính thức giảm bao nhiêu thì tín dụng đen có cơ hội phát triển.

Đại diện của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp cho rằng: "Ở Việt Nam, cho vay tiêu dùng là một thị trường rộng lớn với nhiều tiềm năng phát triển, trở thành một lĩnh vực hấp dẫn đối với các tổ chức tín dụng. Xét ở góc độ nào đó, cho vay tiêu dùng có tác động khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tài chính tiêu dùng, phù hợp với khả năng thanh toán của người dân và hạn chế tín dụng đen".

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, tỉ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỉ lệ nợ xấu này chỉ xấp xỉ 2%), thậm chí tỉ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Tỉ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng ngày càng tăng cao, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền. Các hội nhóm rủ nhau "bùng nợ" tràn lan trên mạng xã hội cũng kéo theo nhiều hệ lụy cho các tổ chức tín dụng nhưng không bị xử lý.

Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn, một số tổ chức tín dụng buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, trước tình hình hiện nay, cần có các giải pháp hữu hiệu tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển hoạt hoạt động cho vay tiêu dùng lành mạnh, bền vững và hiệu quả hơn, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn