MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao gửi tiết kiệm online được hưởng lãi suất cao hơn?

Lam Duy LDO | 01/05/2020 15:20

Rất nhiều ngân hàng thương mại hiện đang áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm online cao hơn lãi suất huy động tại quầy phổ biến từ 0,3- 0,6%/năm, thậm chí tới 1,1 - 1,2%/năm.

Theo biểu lãi suất huy động tiền đồng (VND) được nhiều ngân hàng niêm yết ở thời điểm ngày 1.5.2020, mặt bằng lãi suất tiết kiệm online tại hàng chục ngân hàng thương mại đang cao hơn từ 0,3% đến 1,2%/năm so với lãi suất huy động tại quầy.

Như tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trong khi lãi suất tiền gửi thông thường các kỳ hạn 6 – 13 tháng có lãi suất tăng dần từ 7,1 – 7,7%/năm, lãi suất tiết kiệm online ở các kỳ hạn tương ứng lại tăng lên từ 8,21% đến 8,76%/năm.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), lãi suất online cũng cao hơn lãi suất tiết kiệm thông thường từ 0,1 – 0,7%/năm, theo đó lãi suất tiết kiệm online các kỳ hạn từ 6 tháng đến 13 có lãi suất tăng dần từ 6,6 – 6,9%/năm.

Tương tự tại Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), lãi suất tiết kiệm online thậm chí còn cao hơn lãi suất tiết kiệm thông thường tại quầy từ 0,5% tới 1,2%/năm. Theo đó lãi suất tiết kiệm online các kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng hiện được ngân hàng này trả tới 8,0 – 8,3%/năm và là số ít các ngân hàng đang trả lãi suất trên 8%/năm.

So sánh biểu lãi suất được các ngân hàng niêm yết cho thấy, lãi suất tiết kiệm online tại hàng loạt ngân hàng khác như Techcombank, TPBank, Sacombank, VIB, MSB, VietBank, VietABank hay BaoVietBank đều cao hơn lãi suất thông thường từ thấp nhất 0,1% đến cao nhất 0,6%/năm.

Việc áp dụng lãi suất huy động cao hơn với sản phẩm tiết kiệm trực tuyến là một trong nhiều giải pháp đang được các ngân hàng thương mại triển khai nhằm khuyến khích người dân giao dịch an toàn qua mạng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Trước đó để khuyến khích khách hàng giao dịch an toàn qua Internet Banking và Mobile Banking, gần 40 ngân hàng cũng thực hiện miễn/giảm phí chuyển tiền cho người dân. Trong số này có 14 ngân hàng đưa mức phí thu khách hàng về bằng 0 đồng, chiếm 49,1% lượng giao dịch miễn phí dịch vụ.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chỉ trong tháng 3.2020, tổng số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng giá trị nhỏ qua hệ thống chuyển mạch tài chính quốc gia tăng hơn 32% so với tháng 2.2020. Điều này cho thấy, khách hàng đã có sự dịch chuyển từ chi tiêu bằng tiền mặt sang sử dụng các kênh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hạn chế những tác động từ COVID-19.

Để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, NHNN vừa mới đây cũng ban hành văn bản đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ.

Các ngân hàng thương mại đến nay triển khai liên tiếp nhiều chương trình miễn giảm phí chuyển mạch trong năm 2020 gồm miễn phí dịch vụ công và miễn/giảm lên đến 72% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống và miễn/giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho giao dịch từ trên 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng, đến hết ngày 31.12.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ hồi phục mạnh sau dịch trong khi nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vẫn chưa kết thúc, việc áp dụng lãi suất cao hơn lãi suất tại quầy cho thấy các ngân hàng đang mong muốn cải thiện nguồn vốn huy động từ kênh online.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn