MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đến nay, Việt Nam chưa công bố mục tiêu hoặc kế hoạch cụ thể về việc phát triển hydrogen xanh dẫn đến việc phát triển lĩnh vực này đối diện với nhiều thách thức. Ảnh: EVN

Việt Nam có vị thế thuận lợi để dẫn đầu châu Á trong phát triển hydrogen xanh

ĐỨC MẠNH LDO | 29/10/2023 19:00

Hydrogen xanh nổi lên như một giải pháp nổi bật trong tiến trình theo đuổi tương lai xanh. Đây là giải pháp hứa hẹn mang lại cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam để nâng cao giá trị của năng lượng tái tạo, áp dụng vào nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh và trong cả đời sống xã hội hằng ngày.

Phát triển hydrogen xanh đóng vai trò cấp thiết trong chuyển dịch năng lượng

Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương, tính đến đầu năm 2023 đã có hơn 40 quốc gia ban hành Chiến lược quốc gia về hydrogen cùng các chính sách hỗ trợ về tài chính lớn nhằm hình thành và phát triển ngành công nghiệp hydrogen. Các quốc gia điển hình và đi đầu như EU, Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Úc, Canada, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong đó, EU tập trung phát triển hydrogen xanh và đặt mục tiêu đạt 13 - 14% trong cơ cấu năng lượng vào năm 2050. Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển hydrogen sạch, bao gồm cả hydrogen xanh và hydrogen lam, với mục tiêu đạt lần lượt là 10% và 33% cơ cấu năng lượng quốc gia vào năm 2050. Mới đây, Hoa Kỳ đã công bố chiến lược phát triển hydrogen với mục tiêu đạt 10 triệu tấn hydrogen sạch/năm vào năm 2030 để loại bỏ carbon trong các lĩnh vực sản xuất amoniac và lọc dầu, tăng lên 50 triệu tấn/năm để mở rộng phạm vi ứng dụng hydrogen vào năm 2050.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, hydrogen xanh đã nổi lên như một giải pháp nổi bật trong tiến trình theo đuổi một tương lai xanh. Đây là giải pháp hứa hẹn mang lại cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam để nâng cao giá trị của năng lượng tái tạo, áp dụng vào nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh và trong cả đời sống xã hội hằng ngày.

"Phát triển hydrogen xanh được xem là cấp thiết trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam” - Bộ trưởng cho biết.

Các chuyên gia quốc tế cũng chung quan điểm về tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực hydrogen xanh. Ông Jean Gourp - Giám đốc Châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn John Cockerill - nói: "Việc sản xuất hệ thống tại Việt Nam rất quan trọng để tham gia vào chuỗi giá trị hiệu quả trong hydrogen xanh toàn cầu. Việt Nam không chỉ có tiềm năng trong tiếp cận thị trường năng lượng tái tạo mà còn có lợi thế lớn trong việc để lại ít dấu chân carbon với chi phí thấp".

Ông Markus Bissel - Trưởng hợp phần hiệu quả năng lượng, Chương tình hỗ trợ năng lượng của GIZ - nhận thấy Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để trở thành quốc gia dẫn đầu châu Á trong phát triển hydrogen xanh. Nhu cầu trên thế giới rất cao, trong khi Việt Nam có khung chính sách vững vàng ổn định, ngành năng lượng rộng lớn, ngành công nghiệp tiêu thụ hơn 50% tổng sản lượng năng lượng...

"Không chỉ đơn giản đưa nước vào điện phân là thành hydrogen xanh"

Tuy nhiên, để phát triển hydrogen xanh là một bài toán thách thức. Ông Gil Shaki - Nhà sáng lập và Giám đốc Tăng trưởng tại Quỹ đầu tư Capital Nature - cho biết: "Không chỉ đơn giản đưa nước vào điện phân là thành hydrogen xanh mà đó là cả một chuỗi sản xuất phức tạp. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong thúc đẩy doanh nghiệp tham gia. Đồng thời tìm kiếm giải pháp cắt giảm chi phí, đảm bảo hiệu quả sản xuất".

Còn theo ông Asheesh Sastry - Giám đốc năng lượng châu Á - Thái Bình Dương tại BCG - Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế hydrogen xanh và đẩy mạnh nhu cầu nội địa, không nên phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Nguồn cung cần đảm bảo chi phí vận chuyển thấp nhất có thể. Đồng thời phát triển các trạm trung chuyển, điểm tập trung. Đây là điều đang diễn ra tại Mỹ khi nước này chia thị trường thành nhiều trung điểm để cung cấp hydrogen xanh cho tất cả khu vực liên quan.

"Thách thức với Việt Nam là đảm bảo nguồn cung, cầu và giảm thiểu chi phí vận chuyển với sản phẩm này. Thêm nữa cũng cần thu hút thêm nhiều đối tác tham gia. Ví dụ tại Oman có các dự án quy tụ nhiều bên tham gia, mỗi đơn vị đóng vai trò riêng như nâng cao năng lực, đào tạo... Đồng thời Chính phủ cũng cần nghiên cứu về việc tài trợ vào đâu và vào thời điểm nào. Như tại châu Âu đã áp dụng thuế carbon để thúc đẩy thị trường hydrogen xanh" - ông Asheesh Sastry đề xuất một số giải pháp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn