MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

VPS bị phạt và câu chuyện cho vay margin năm 2022

Kim Ngân LDO | 23/09/2022 10:30

Công ty cổ phần chứng khoán VPS vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 200 triệu đồng.

Dư nợ cho vay bao gồm cho vay margin và ứng trước tại các công ty chứng khoán biến động mạnh trong thời gian qua. Ảnh: LĐ
Phạt hơn 100 triệu lỗi “quá tay” cấp margin

Trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBCK nêu hai hành vi vi phạm. Thứ nhất, VPS bị phạt tiền 60 triệu đồng vì đã bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, vị trí mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Trên thực tế, VPS đã bố trí nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán ký tại Hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng.

Đây không phải lần đầu VPS vi phạm quy định này. Trước đó, hồi đầu năm 2021, UBCK đã từng xử phạt VPS cũng với số tiền 60 triệu đồng do từ ngày 1.1.2019 đến ngày 26.10.2020, VPS đã bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán ký trên một số hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán với khách hàng. Như vậy, VPS đã tái diễn vi phạm và bị xử phạt.

Tuy nhiên, một lỗi đáng chú ý nữa là khi VPS bị phạt tiền tới 125 triệu đồng là do có hành vi cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ (margin) vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng.

Năm 2021, VPS gây chú ý với tốc độ tăng trưởng thị phần thần tốc và kết quả kinh doanh vượt trội. Song cùng với những kết quả đó là một số tai tiếng trên thị trường. Mới đây nhất, hồi tháng 5 năm nay, rất nhiều người đã lên tiếng khi VPS khuyến nghị dùng lệnh đánh xuống (short). Lúc đó, nhiều ý kiến đã yêu cầu cơ quan quản lý cần làm rõ khuyến nghị này của VPS có đúng quy định pháp luật hay không và VPS có dẫn dắt, định hướng thị trường hay không.

Cuộc đua hút khách, “bơm” tiền

Liên quan đến kết quả kinh doanh của VPS, theo báo cáo tài chính quý II/2022 của doanh nghiệp này, tổng doanh thu hoạt động trong kỳ đạt 2.207 tỉ đồng. Trong đó, mảng kinh doanh chính là tự doanh và môi giới lại ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2021 khi lần lượt đạt 942 tỉ đồng và 715 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng tương ứng lần lượt 43% và 32% tổng doanh thu hoạt động. Tuy nhiên, do lỗ gần 2.100 tỉ đồng từ bán trái phiếu chưa niêm yết khiến kết quả mảng tự doanh của VPS lỗ ròng khoảng 89 tỉ đồng.

Đáng chú ý là lãi từ cho vay và phải thu của VPS trong kỳ tăng mạnh hơn 61% khi ghi nhận 322 tỉ đồng. Riêng hoạt động cho vay ký quỹ, tại thời điểm cuối quý II/2022, dư nợ margin và ứng trước tiền bán tại VPS dù giảm mạnh so với quý I nhưng vẫn đạt gần 9.169 tỉ đồng. Nếu so với doanh nghiệp cùng ngành thì con số này là không nhỏ.

Cũng liên quan đến dư nợ margin, nhiều ý kiến cho rằng, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong 2 năm 2020 và 2021, quy định mức trần 200% vốn chủ sở hữu “áp” với tỉ lệ margin từng là bài toán khó với nhiều công ty chứng khoán nhưng sang năm 2022 lại trở nên dễ dàng khi thị trường sụt giảm mạnh và các công ty đều tăng mạnh nguồn vốn.

Nếu kết thúc quý I/2022, dư nợ cho vay bao gồm cho vay margin và ứng trước tại các công ty chứng khoán tăng mạnh lên hơn 201.176 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay margin của chứng khoán SSI cao nhất với 21.203 tỉ đồng (gần 137% vốn chủ sở hữu), tiếp đó là chứng khoán Mirae Asset Việt Nam với 18.482 tỉ đồng (185%) và chứng khoán VNDirect 17.123 tỉ đồng (168%)...

Nhưng đến quý II, các số liệu trên đã sụt giảm mạnh bởi sự biến động của thị trường. Trong cả quý II, thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh bởi tác động cả bên ngoài và các thông tin bên trong. Giao dịch giảm, thanh khoản giảm, nhu cầu dùng đòn bẩy của các nhà đầu tư cũng giảm mạnh.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, đến cuối quý II/2022, nhóm 10 công ty có số dư nợ margin lớn nhất đều sở hữu tỉ lệ margin từ 80% trở xuống. Biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận thuần của ngành trong nửa đầu năm 2022 sụt giảm lần lượt còn 45,1% và 24,3%.

Chính vì sự sụt giảm mạnh của thị trường trong quý vừa qua, từ đầu quý III đến nay, các công ty chứng khoán liên tục ra mắt ứng dụng, chương trình khuyến mãi, Margin T+, miễn lãi… để thu hút khách hàng và tìm cách kiếm lợi nhuận từ nguồn vốn khổng lồ đã cấp tập tăng trong hai năm qua.

Nếu tại thời điểm 31.12.2021, dư nợ cho vay (90% là dư nợ cho vay margin, còn lại là tạm ứng) của công ty chứng khoán là hơn 197.000 tỉ đồng thì đến 30.6.2022 dư nợ cho vay giảm mạnh hơn 43.000 tỉ đồng xuống còn 153.800 tỉ đồng; trong khi tổng vốn điều lệ của các công ty lại tăng hơn 27.000 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn