MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xử lý thao túng chứng khoán, xây dựng thị trường vốn - kinh nghiệm từ Nhật

Đức Mạnh LDO | 24/03/2023 10:00

Làm thế nào để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư sau các khủng hoảng trên thị trường chứng khoán? Ông Nakajima Junichi - Cao uỷ viên Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA) chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xử lý các vụ thao túng chứng khoán để từ đó xây dựng thị trường vốn lành mạnh và bền vững.

Mạng lưới cơ quan kiểm soát dày đặc

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm qua chao đảo bởi các vụ khởi tố, xử phạt liên quan tới hành vi thao túng cổ phiếu nhằm trục lợi bất chính như vụ ông Trịnh Văn Quyết hay Đỗ Thành Nhân. Niềm tin lung lay, hàng loạt nhà đầu tư F0 trắng tay sau cú sập của thị trường.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng từng trải qua quãng thời gian bong bóng kinh tế trong thập niên 1980 và cuộc khủng hoảng tài chính. Giá cổ phiếu có thời điểm giảm mạnh sau hàng loạt vụ bê bối chứng khoán. Bằng kinh nghiệm dày dặn xử lý khủng hoảng của Nhật, ông Nakajima Junichi - Cao uỷ viên Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA) - cho biết, Chính phủ Nhật khi đó đã ban hành hàng loạt quy định về kiểm soát giao dịch nội gián, báo cáo giao dịch khối lượng lớn, kiểm soát chặt các thương vụ chào bán công khai.

Uỷ ban giám sát giao dịch chứng khoán Nhật Bản ra đời năm 1992. Ban đầu, cơ quan này chỉ dừng ở việc kiểm tra các công ty chứng khoán, nộp hồ sơ lên phòng công tố khi phát hiện những giao dịch bất thường. Nhưng sau đó uỷ ban xây dựng các quy chế tiền phạt, từ đó đến nay đã xử lý hiệu quả những giao dịch không lành mạnh. Trong đó, xử lý giao dịch nội gián là cực kỳ quan trọng bởi nó sẽ ảnh hưởng đến tính công bằng và làm mất niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Chính phủ Nhật Bản liên tục nâng cao vai trò và chức năng của sở giao dịch chứng khoán trong kiểm soát việc vận hành làm sao để giao dịch diễn ra công bằng và thuận lợi. Thêm vào đó, siết chặt vai trò của thẩm định niêm yết. Đồng thời tái cấu trúc sở giao dịch JPX.

Không những thế, Nhật Bản còn hiện đại hoá chứng khoán thông qua chuyển đổi số. Hệ thống được kết nối bằng đường truyền mạng chuyên dụng có tính bảo mật cao, số hoá nghiệp vụ đối chiếu tiền gửi với tổ chức tín dụng. Đồng thời hợp tác với cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài để xử lý hành vi vi phạm xuyên biên giới.

Ông Nakajima Junichi - Cao uỷ viên Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản. Ảnh: JICA

Từng bước lấy lại lòng tin nơi nhà đầu tư

Hậu quả của những hành vi không lành mạnh này chính là khiến lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán bị bào mòn.

Ông Nakajima Junichi cho hay, kinh nghiệm của Nhật Bản là cải thiện thị trường vốn bằng cách duy trì nền lãi suất thấp để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc huy động tiền trên thị trường vốn, từ đó phát triển kinh tế và gia tăng lợi nhuận cho các hộ gia đình.

"Chúng tôi khuyến khích chuyển tài sản tiết kiệm sang đầu tư, từ tài chính trực tiếp sang tài chính gián tiếp. Nếu tín dụng quá phụ thuộc vào tài chính gián tiếp thì rủi ro sẽ đổ dồn vào hệ thống ngân hàng. Do đó việc phân tán rủi ro và phát triển tài chính trực tiếp, bao gồm thị trường chứng khoán là vô cùng quan trọng. Đồng thời doanh nghiệp cũng sẽ phát triển bền vững thông qua cung cấp vốn đầu tư mạo hiểm cho họ. Vì thế, nên xây dựng chính sách cho thị trường vốn rất cần được Chính phủ quan tâm" - chuyên gia từ FSA nói.

Về phía nhà đầu tư, khi đầu tư trực tiếp vào chứng khoán hay trái phiếu sẽ có thu nhập từ tài sản tài chính tăng lên. Nhờ sự luân chuyển vốn tuần hoàn như vậy, nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận tốt hơn từ cổ tức, cổ phiếu... Từ đó góp phần xây dựng tài sản cố định ổn định cho người dân.

Để người dân mua được sản phẩm đầu tư phù hợp với nhu cầu và cuộc sống của mình, họ cần có kiến thức tài chính. Nhật Bản đang phổ biến rộng rãi kiến thức tài chính để "Tăng gấp đôi thu nhập từ tài sản" theo mục tiêu của Chính quyền  Thủ tướng Kishida Fumio.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn