MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những cán bộ tín dụng chính sách ở Quảng Bình tận tâm với từng hộ vay. Ảnh: T.N

Xuân này về nơi cát sỏi cũng nảy mầm no ấm

Tuấn Ngọc LDO | 30/01/2018 11:32
Tại tỉnh Quảng Bình hiện nay có 64 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi với 24.500 hộ, chiếm 3/4 diện tích tỉnh. Vị trí địa lý chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, vì vậy thoát nghèo đã khó song ranh giới tái nghèo thêm mong manh. 

Sự cố gắng, nỗ lực của bao thế hệ người làm tín dụng chính sách 15 năm qua ở Quảng Bình, như “mưa dầm, thấm đất” để rồi no ấm cũng đã nảy mầm từ trong cát sỏi...

Khơi dậy khát vọng đổi đời

Tết này về xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, đồng bào Rục nơi đây đã biết trồng lúa nước, làm ra hạt gạo tự đảm bảo được một phần lương thực, đến nay đã gần chục mùa gặt. Hình ảnh những năm trước người Rục thiếu ăn, phải tìm rau rừng, ăn củ sắn, hạt ngô, giờ cũng không còn. Nhiều gia đình người Rục đã có lúa gạo cất trữ trong nhà.

Không chỉ có bát cơm trắng, cuộc sống người dân ở bản Ói, xã Thượng Hóa đang ngày thêm ấm no từ dòng vốn tín dụng chính sách xã hội.

Ở xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, mọi người nhắc đến cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Soát như một hình mẫu giảm nghèo bền vững. Ông nhập ngũ, sang chiến trường Lào, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương, năm 1984 lập gia đình với hai bàn tay trắng. Các con lần lượt ra đời khiến cuộc sống gia đình thêm bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Ông đã vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo năm 2013 của NHCSXH, năm 2015 đã hoàn trả hết số tiền vay, cuộc sống tốt hơn trước. Năm 2015, ông mạnh dạn vay tiếp 30 triệu đồng vốn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn cộng với số vốn tích luỹ có được phát triển kinh tế trồng trọt kết hợp với chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông đã có 25 con bò, ao cá rộng cùng 2ha rừng tràm và cả việc kinh doanh vật tư nông nghiệp, xay xát gạo, gặt lúa, mỗi năm mang lại lợi nhuận tới cả 100 triệu đồng. Từ khi còn là hộ nghèo, vợ chồng ông đã tạo dựng được cơ ngơi mà nhiều người mơ ước, nuôi dạy 5 người con ăn học nên người và giúp đỡ nhiều hội viên CCB khác có việc làm ổn định và cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Cùng giấc mơ đổi đời như gia đình như ông Soát, bà Đặng Thị Cầm ở thôn Lộc An, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy trong căn nhà mới đón tết cùng cậu con trai cả, giờ đã là bác sĩ và hai cô con gái đang học Đại học Y Dược Huế. Nhìn ba người con đang trưởng thành bà không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại giai đoạn nhọc nhằn nuôi các con ăn học.

“Số tiền chi phí học tập lớn, vượt quá khả năng tài chính của gia đình. Sự quan tâm của NHCSXH, Hội Phụ nữ xã và Tổ tiết kiệm vay vốn đã giúp chị vay 86 triệu đồng trang trải học phí. Con trai của chị nay đã học xong và trở thành bác sĩ như ước mơ của bản thân và gia đình.

Lan tỏa trong từng vi mạch đời sống

Những dòng vốn nhỏ của NHCSXH cùng với sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội với mạng lưới 2.331 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang đem đến cho người dân có được cuộc sống no đủ.

Riêng năm 2017, doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh Quảng Bình đạt 815 tỉ đồng, với trên 25 nghìn lượt khách hàng vay, bình quân cho vay 31,2 triệu đồng/khách hằng (năm 2016 doanh số cho vay bình quân 28,6 triệu đồng/khách hàng). Doanh số thu nợ đạt 635 tỉ đồng.

Tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Quảng Bình đến nay đạt 2.760 tỉ đồng với hơn 83 nghìn hộ vay, bình quân mỗi hộ có dư nợ là 33,2 triệu đồng.

Trên những điểm tựa thành công của hoạt động tín dụng chính sách trong 15 mùa Xuân qua cũng như trong năm 2017, NHCSXH tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu Trung ương giao năm 2018, riêng nguồn vốn huy động từ ngân sách tỉnh, huyện, thành phố tăng tối thiểu 8 tỉ đồng. Phấn đấu đến cuối năm 2018 tỉ lệ nợ quá hạn các đơn vị thấp hơn năm 2017, 99% Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động xếp loại tốt, khá, 100% tổ có số dư tiền gửi của tổ viên thông qua tổ và trên 85% số tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm thường xuyên hằng tháng, 100% điểm giao dịch xã đạt khá, tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn