MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường liên thôn Xuân Tân – Lộc Mỹ xã Nghi Xuân huyện Nghi Lộc do dân góp 260 triệu đồng, hiến gần 3.000 m2 đất và 200 ngày công. Ảnh: Hồng Sơn

Xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An – đi lên từ nội lực

HỒNG SƠN LDO | 09/09/2019 11:12

Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều vùng quê tỉnh Nghệ An đã có sự chuyển biến rõ nét. Kết cấu hạ tầng, văn hoá giáo dục … được đầu tư nâng cấp, kinh tế phát triển nên đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Có được kết quả đó là nhờ tỉnh biết phát huy nội lực, khai thác tiềm năng và lợi thế của từng địa phương.

Xác định nhân dân là chủ thể của chương trình nên tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động giúp nhân dân hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ trong xây dựng nông thôn mới. Phát động, triển khai thực hiện nhiều phong trào thi đua và được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Phong trào thi đua “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” đã tạo hiệu ứng tích cực và sức lan toả rộng khắp. Qua đó phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân, huy động nội lực của nhân dân. Chú trọng xây dựng các công trình phục vụ cho đời sống dân sinh như điện, đường, trường, trạm, bê tông hoá kênh mương, phát triển kinh tế…  

Trang trại chăn nuôi của gia đình anh Võ Ngọc Minh xã Hưng Tân huyện Hưng Nguyên lãi 250 triệu đồng/năm. Ảnh Hồng Sơn
Trong quá trình thực hiện chương trình đã xuất hiện một số địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo như xã Hưng Tân huyện Hưng Nguyên. Trong 5 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã vận động nhân dân đóng góp được 290 tỷ đồng, hiến 48.000 m2 đất làm đường giao thông và hàng ngàn ngày công xây dựng.

Hưng Tân đã xây dựng được 5/9 cánh đồng cho thu nhập cao từ 200 đến 250 triệu đồng/năm, 175 trang trại có giá trị kinh tế cao gấp 4 – 5 lần so với trồng lúa. Thu nhập bình quân đầu người 52 triệu đồng/năm và không có hộ nghèo. Kết quả đó đã giúp xã đoạt giải nhất tại cuộc thi mẫu “xã nông thôn mới đẹp và thôn – bản nông thôn mới đẹp”.

Làm tốt công tác dân vận, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở nên tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực lớn từ nhân dân và các doanh nghiệp cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2011 đến nay ngoài nguồn vốn từ ngân sách và vốn lồng ghép, trên địa bàn toàn tỉnh, nhân dân đã đóng góp 8.45,7 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp 2.804,6 tỷ đồng. Nhân dân hiến hàng trăm ngàn m2 đất để làm đường giao thông, xây dựng trường học và xây dựng nhà văn hoá khối xóm. Hiện tại nợ đọng thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới đã được tỉnh và các địa phương thanh toán hết.  

Sau 10 năm thực hiện, hầu hết các địa phương đã có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Bộ máy tham mưu giúp việc được hoàn thiện và hoạt động chuyên nghiệp. Mọi tầng lớp nhân dân ngày càng hiểu rõ hơn lợi ích được hưởng từ chương trình mang lại và tích cực tham gia hơn nữa.

Đến hết năm 2019 toàn tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 39 xã và một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 25 thôn, bản các huyện miền núi đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí của tỉnh.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn