MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hoàn cảnh thương tâm của cậu bé chân đi hình chữ V, da tróc vảy

Ái Nhân - Lâm Phúc LDO | 25/07/2013 09:50
Cả ngày cậu bé cứ ngồi bệt ở thềm nhà và gãi liên hồi. Từng lớp da khô nhám, đen sì cứ thế bong ra, rơi vãi xuống nền nhà, máu âm ỉ rịn ra, ngày qua ngày lại tụ thành từng lớp vảy đen, nổi vằn trên da… Đã hơn 20 năm qua, cậu bé luôn phải sống dằn vặt trong hình hài khổ sở như vậy.
>> Đón đọc ấn phẩm Lao Động & Đời sống số 14

Tiếng rên xót lòng giữa rừng núi


Cậu bé sống trong một ngôi nhà nhỏ, mái lợp rơm, nghèo nhất xóm Cháo 1, xã Vĩnh Đồng - vùng đất cận sâu của huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Người cậu bé gầy tong teo, chỉ còn da bọc xương, lớp da mỏng manh ấy lại đang bị phủ kín bởi những vết sần sùi, ghẻ lở. Ngồi bên thềm nhà với độc một chiếc quần rách tơi tả, cậu bé luôn tay gãi, mặt nhăn nhó rất khó chịu, thỉnh thoảng lại rít hơi, rồi rên lên thành tiếng. Bà Nấm - mẹ cậu bé - ngậm ngùi: “Đấy, nhà tui khổ cũng vì thằng nhỏ ấy đấy. Tên nó là Bùi Văn Dương (ảnh). Nó bị cái bệnh gì mà từ lúc sinh ra đến giờ không khỏi. Hồi nhỏ nó khóc suốt, vì ngứa ngáy không chịu được. Sau này lớn lên, quen rồi nên nó không khóc nữa, chỉ rên thôi. Mà chân nó trước đây bình thường, sau đó lại bị chụm lại với nhau, không đi lại được”.

Dương sinh năm 1989, là con trai thứ hai của ông Xếp, bà Nấm. Sức khỏe của người con trai đầu là Bùi Văn Lương vốn không được tốt do bị cây đè gãy toàn bộ các xương ngón tay. Niềm hy vọng vào người con tiếp cũng bị đổ vỡ bởi bệnh tật hoành hành. Sức già lấn đến, cuộc sống gia đình ông bà ngày càng kiệt quệ.

Từ lúc sinh ra cho đến tận bây giờ, Dương chưa một lần ra khỏi nhà. Được biết lúc nhỏ, Dương chỉ bị tróc vảy ở da còn chân vẫn đi lại bình thường. Đến năm 2005, đột nhiên hai đầu gối chụm lại với nhau, hai cẳng chân xòe ra hai bên, Dương không còn đi lại được như trước. Ngày ngày Dương chỉ ngồi một chỗ, gắng lắm mới lê chân đi vài bước trong nhà.

Hỏi chuyện, em chỉ mấp mé được vài lời: “Lúc nào em cũng ngứa. Khó chịu lắm ạ. Em không đi lại được nhưng em cũng ko muốn ra ngoài, sợ bạn bè trêu chọc”. Thấy con thẹn thùng, ông Xếp kéo một hơi thuốc lào rồi nói: “Nó không đi đâu được cả. Đời nó chỉ có giam lỏng trong nhà thôi. Có một lần định đi chơi, vừa bước xuống dốc, ngã gãy chân. Bó lá mãi bây giờ mới đỡ được đó. Giờ nó càng sợ ra khỏi nhà”.

“Đào đâu ra tiền để đưa con đi khám”

Giường ngủ của Dương chỉ là một tấm gỗ kê trên 4 hòn đá lớn, áo quần vắt lửng lơ trên chiếc dây chăng ngang đầu giường. Kề bên là bếp củi nghi ngút khói, bụi kết thành tảng bám đầy trên các thanh gỗ. Tiếng ruồi muỗi vo ve cùng mùi ẩm mốc khiến không gian ngột ngạt vô cùng.

Kể về bệnh của con, bà Nấm cho biết: “Bệnh ở da càng ngày càng nặng, các lớp vảy cứ thế nhiều hơn. Nhiều đêm con ngứa không ngủ được, tui cũng không ngủ được. Hồi nhỏ, tui toàn nằm ôm con khóc. Mà nhà tui có ai bị bệnh này đâu, tự nhiên nó bị như thế, vợ chồng tui lo lắm, không biết làm sao. Mùa hè còn đỡ nhưng đến mùa đông mới khổ, vảy bong ra thành tảng, nó ngứa, nó gãi loét hết cả da. Biết con đau, con ngứa nhưng nhà tui chẳng đào đâu ra tiền mà đưa con đi khám”.

Không có tiền để đưa con đi khám chữa, gia đình bà Nấm đã phải tự tìm đến các phương thuốc từ lá rừng nhưng không ăn thua. “Tui nghe người này người khác nói cho cách gì là làm cách ấy, nhưng bệnh của nó vẫn không bớt. Giờ thấy bụng nó sưng to, có người còn bảo bị to lách, phải đi cắt. Rồi chân lại bị như thế, vợ chồng tui chẳng biết làm cách gì để mà chữa cho con nữa, đành chấp nhận để con sống như thế” – giọng bà Nấm như nghẹn đắng lại khi nhắc đến những ngày tháng tiếp theo.

Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình ông Xếp, ông Bùi Trọng An -Trưởng xóm Cháo 1 - cho biết: “Chúng tôi rất thương cảm với hoàn cảnh của nhà ông Xếp, bà Nấm. Ở những lần họp UBND xã, tôi đã đề đạt đến trường hợp này nhưng vẫn chưa được cấp trên giải quyết. Tôi cũng chỉ mong chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ gia đình, giúp cháu Dương chữa khỏi bệnh”.

Rời xóm Cháo lúc sẩm tối khi cơn mưa rào đổ ập xuống, tôi cứ phân vân chẳng hiểu rồi đây, những con người ấy sẽ sống ra sao khi mỗi bữa ăn chỉ có vài ba ngọn rau, búp măng, nhút mít và đang bị bệnh tật giày vò, dần âm ỉ giết chết họ.

Mọi sự giúp đỡ em Bùi Văn Dương  xin gửi về Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động, địa chỉ: 51 Hàng Bồ, Hà Nội; ĐT: 04.39232756; ĐTDĐ: 098.222.1960/091.456.8886; hoặc chuyển về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, tài khoản: 102010000013374, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam, chi nhánh Hoàn Kiếm; hoặc  ông Bùi Văn Xếp (xóm Cháo 1 - xã Vĩnh Đồng - huyện Kim Bôi - tỉnh Hòa Bình), Sđt: liên hệ Trưởng xóm Cháo 1 - ông Bùi Trọng An: 01645249178.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn