MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rơi nước mắt cảnh mẹ già cơ cực nuôi con tâm thần

LD 23070: Rơi nước mắt cảnh mẹ già gần 70 tuổi cơ cực nuôi con tâm thần

Phương Thảo - Quỳnh Trang LDO | 15/11/2023 09:52

Ròng rã hơn 30 năm, chưa một phút giây nào bà Lê Thị Tiêu (thôn Tây Vị, xã Thanh Mỹ, Sơn Tây, Hà Nội) hết lo lắng cho cô con gái đã ngoài 30 tuổi mắc chứng bệnh tâm thần lúc tỉnh lúc mê. Dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng hằng ngày, bà Tiêu vẫn phải còng lưng tắm giặt, cơm nước cho con gái bị tâm thần.

This browser does not support the video element.

Rơi nước mắt cảnh mẹ già gần 70 tuổi cơ cực nuôi con tâm thần. Video: Quỳnh Trang

Lo ngày nhắm mắt, con sẽ bơ vơ

Căn nhà nhỏ của mẹ con bà Tiêu nằm dưới một con dốc, cơ man là đất đá. Bên ngoài căn nhà nhỏ là mảng tường bong tróc, ố đen và bốc mùi ẩm mốc. Thấy có người hỏi thăm, bà vui vẻ dẫn vào nhà rồi kể về người con gái bằng tất cả sự yêu thương. Trong đôi mắt của người mẹ gần 70 tuổi, chị Phùng Thị Tân luôn là đứa con cần được che chở, bảo bọc bởi đã ngoài 30 tuổi mà vẫn ngờ nghệch như một đứa trẻ.

“4 tháng tuổi em nó bị giật, sùi bọt mép mềm nhũn người ra, 5 tuổi mới biết đi, biết nói. Mà học xong lại quên, nay học mai quên. Không biết làm gì cả. Tôi làm gì thì nó đi theo đấy thôi”, bà Tiêu chùng giọng tâm sự.

Căn nhà nhỏ ẩm thấp, thiếu ánh sáng là nơi ngả lưng của mẹ con bà Tiêu sau ngày dài cơ cực kiếm sống. Ảnh: Quỳnh Trang

Mắc chứng bệnh tâm thần từ nhỏ nên chị Tân lúc tỉnh, lúc mê. Những lúc tỉnh táo chị vẫn làm được một số việc nhà nhưng mỗi lúc căn bệnh khởi phát chị như biến thành một con người khác có nguy cơ gây nguy hiểm cho chính người thân của mình.

Biến cố tiếp tục ập đến với gia đình bà Tiêu khi trong một lần chị Tân giúp mẹ đi chăn bò, biết chị không được tỉnh táo nên kẻ xấu lợi dụng hãm hiếp. Và rồi con trai chị được sinh ra mà không biết bố mình là ai. Bé Phùng Hồng Phong chỉ có bà và mẹ là chỗ dựa tinh thần.

Chị Phùng Thị Tiêu mắc chứng chứng bệnh tâm thần từ nhỏ nên dù đã ngoài 30 tuổi chị vẫn ngờ nghệch như một đứa trẻ. Ảnh: Quỳnh Trang

Con gái bị tâm thần, nay lại thêm một đứa cháu nhỏ, gánh nặng trên vai bà Tiêu ngày một lớn hơn. Sau nhiều năm bị căn bệnh tâm thần hành hạ, trong nhà bà Tiêu chẳng còn tài sản gì. Chị Tân phải nén chịu nỗi đau bệnh tật dày vò chứ không có điều kiện đi chữa bệnh. Bữa cơm của gia đình bà Tiêu chỉ lèo tèo bát canh rau, rất hiếm khi có thịt cá.

“Giờ ai thuê gì thì tôi làm cái ấy, chứ giờ tôi cũng quá tuổi lao động rồi không tổ chức, đoàn thể nào nhận. Lắm lúc hết gạo tôi phải vay đỡ anh em mua gạo rồi khi nào có lương thì trả. Khổ lắm...”, bà Tiêu thở dài nói.

Căn nhà nhỏ cơ man là những đồ lỉnh kỉnh nhưng chẳng có gì giá trị, ẩm thấp và thiếu ánh sáng. Gần 70 tuổi, bà Tiêu chẳng được báo hiếu mà suốt mấy mươi năm qua phải chịu cảnh kẻ đầu bạc chăm kẻ đầu xanh. Gia cảnh túng thiếu, tuổi tác lại quá cao nhưng bà vẫn gắng gượng đứng lên mỗi ngày để nuôi người con gái chẳng may không được bình thường như bao người và cậu cháu trai chưa tròn 3 tuổi.

Bà Lê Thị Tiêu cặm cụi nhặt nhạnh đồng nát, ve chai kiếm từng đồng nuôi con, nuôi cháu. Ảnh: Quỳnh Trang

Đã lâu lắm rồi, bà Tiêu không có được một giấc ngủ trọn vẹn. Đêm nào bà cũng khóc vì tủi thân, vì thương con thương cháu rơi vào cảnh khổ. “Tôi chỉ mong ông trời cho sức khỏe sống thật lâu để lo cho con cho cháu. Chứ giờ tôi chết đi thì chúng nó bơ vơ, biết nương tựa vào ai”, bà Tiêu nghẹn ngào bộc bạch.

Mong ước tương lai

Nhìn con ngờ nghệch, cháu còn thơ, bà Tiêu bất lực. Sức khỏe ngày một yếu đi, những trăn trở lo toan in hằn trên gương mặt khắc khổ của bà. Hướng đôi mắt ngấn lệ về phía cậu cháu trai chưa tròn 3 tuổi, có lẽ điều trăn trở khôn nguôi của bà Tiêu lúc này chính là làm sao để cháu được đến trường và viết lên một tương lai tươi sáng hơn.

Mong ước lớn nhất của bà Tiêu lúc này chính là bé Phùng Hồng Phong được đến trường, học tập. Ảnh: Quỳnh Trang

Với bà Tiêu, bé Hồng Phong là tất cả nguồn sáng niềm hy vọng cho tương lai tươi đẹp sau này. Khi được hỏi về mong muốn lớn nhất của bà hiện tại là gì, bà tiêu nói: “Mong ước lớn nhất của tôi là có sức khỏe tốt để chăm con, chăm cháu. Làm lụng vất vả mấy tôi cũng chịu để Hồng Phong được đến trường, học tập để có tương lai tốt hơn”.

Vất vả, nghèo khó đủ đường, nhưng bà Tiêu chẳng dám kêu ca hay than phiền điều gì. Mặc cho sức khỏe ngày một yếu đi, nhưng với sức mạnh của tình mẫu tử, bà Tiêu vẫn mạnh mẽ mỗi ngày để cuộc sống bớt cơ cực, kiếm từng đồng nuôi con, nuôi cháu.

Nhắc về hoàn cảnh nhà bà Tiêu, ông Lê Văn Tư, trưởng thôn Tây Vị, xã Thanh Mỹ, Sơn Tây cho biết: “Hoàn cảnh gia đình bà Tiêu thuộc diện khó khăn, kinh tế bấp bênh. Bà Tiêu già cả rồi vẫn nai lưng làm lụng, chắt chiu từng đồng nuôi con gái tâm thần, cháu còn nhỏ. Biết hoàn cảnh của bà Tiêu, địa phương cũng chỉ có thể hỗ trợ một phần nhỏ thôi. Chúng tôi mong hoàn cảnh của bà Tiêu được nhiều người biết đến để giúp đỡ cho cuộc sống gia đình đỡ khổ”.

Mọi sự giúp đỡ cảnh đời LD 23070 - gia đình bà Lê Thị Tiêu xin gửi về: Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng, số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232756. Số tài khoản (STK): 113000000758 tại Vietinbank Chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội. STK: 0021000303088 - tại Vietcombank - Chi nhánh Hà Nội, STK: 12410001122556 - tại BIDV - Chi nhánh Hoàn Kiếm.

Hoặc liên hệ ông Lê Văn Chuẩn - thôn Tây Vị, xã Thanh Mỹ, Sơn Tây, Hà Nội, số điện thoại: 0978733519 (em ruột của bà Lê Thị Tiêu), số tài khoản: 0968151388 - Ngân hàng Quân đội, chủ tài khoản: Lê Văn Chuyển (con ruột ông Chuẩn).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn