MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Hở đau đớn ôm di ảnh con trai, cạnh người chồng bại liệt.

Nỗi đau của gia đình chồng bại liệt, vợ ung thư, con mất trên biển

Thúy An – Phúc Lâm LDO | 09/07/2013 15:03
Từ khi đứa con trai út - niềm hy vọng duy nhất của cả gia đình và dòng họ - qua đời vì tai nạn trên biển, cuộc sống của ông bà như rơi vào vực thẳm, không đường ra, không lối thoát. Nỗi đau bệnh tật cộng với nỗi đau mất con đang hành hạ thân xác hai phận già ấy từng ngày.
>> Đón đọc ấn phẩm Lao Động & Đời sống số 12

Đó là hoàn cảnh thương tâm của gia đình ông Phạm Văn Sơn (SN 1959) và bà Nguyễn Thị Hở (SN 1961) trú tại thôn Cự Lộc, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Phận nghèo giữa “ốc đảo”


Nơi đây được gọi là ốc đảo vì nó là vùng đất nằm tách rời giữa lòng sông Cửu An (một nhánh của sông Hồng). Người dân xóm đảo cách biệt với làng, mọi giao lưu sinh hoạt đều phụ thuộc vào một chiếc thuyền máy duy nhất. Khi chúng tôi hỏi về gia đình ông Sơn - bà Hở, ông lão đang ngồi chờ thuyền sang xóm đảo cùng chúng tôi gật gù: “Ai chứ ông bà ấy thì tôi biết. Ông ấy trước cũng thả lưới cùng tôi, sau bị tai biến rồi liệt nằm ở nhà, nghe nói vợ bị ung thư. Nhà ông bà ấy bên kia kìa, xuống thuyền đi bộ vào một đoạn là đến. Mà các anh chị tìm ông bà ấy có việc gì? Hay là bên ngân hàng đến đòi nợ?”.

Sau vài phút ngồi trên chiếc thuyền cũ kỹ nổ xình xịch trên mặt nước, chúng tôi cũng đã sang đến “ốc đảo”. Ngôi nhà ngói của ông Sơn - bà Hở nằm chênh vênh bên bờ sông, bờ rào phơi một chiếc chiếu cói cũ màu, rách nát, không gian im bặt. Ngó vào trong nhà, một người đàn ông đang nằm trên giường, không mặc áo. Thấy người vào nhưng ông không thể ngồi dậy được. Khuôn mặt ông hóp lại, hai gò má nổi lên, đuôi mắt nhăn nheo, chằng chịt vết chân chim. Chúng tôi chào, ông không đáp, chỉ lắc lư đầu, nước dãi cứ chảy ra thấm ướt chiếc gối đã mốc meo.

Một lúc sau, có tiếng đàn bà vọng vào từ sân, là tiếng bà Hở - vợ người đàn ông đang nằm co quắp trên giường kia. Bà gầy không thua kém ông Hở, bộ quần áo đẫm mồ hôi dính sát vào bộ khung xương của bà. Rót nước mời khách nhưng cánh tay teo tóp, nổi đầy gân guốc của bà cứ run lên.

Chồng bà - ông Sơn, trụ cột của gia đình, sau hai lần ngã quỵ vì tai biến mạch máu não, nay đã liệt nửa người. Hơn 10 năm nay, ông đã nằm một chỗ. Bà phải hằng ngày ở nhà chăm sóc chồng. Bà Hở tâm sự: “Lần ông bị ngã, tôi và các con không ai ở nhà, bác hàng xóm thấy ông ngã nhưng cứ nghĩ ông say rượu nên không vào. Lúc tôi về thì miệng ông đã sủi trào nước bọt, người đã queo lại. Mấy mẹ con chạy vạy vay được 3 triệu, đưa ông đi khắp các bệnh viện nhưng không đâu chữa khỏi. Cuối cùng tìm đến thầy thuốc nam, thầy cắt cho 250 thang thuốc, uống cũng không lành. Từ đấy, ông ấy chịu cảnh tàn tật, lâu lâu lại lên cơn co giật. Giờ ông nằm đấy, ông đi vệ sinh luôn trong quần, có lúc vừa tắm xong ông đã đái ra giường”.

Còn bà Hở - người thay thế chồng lao động nuôi con thì lại đang mang trong mình căn bệnh ung thư vú. Cảnh nghèo lại càng nghèo hơn khi một gia đình cả hai bố mẹ đều mắc bệnh hiểm nghèo. Nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm, bà có tiền đi phẫu thuật. Nhưng từ khi cắt bỏ vú tới giờ bà chỉ mới đi tái khám được một lần. “Bác sĩ bảo tôi 3 tháng tái khám một lần, nhưng tôi không có tiền mà đi lại. Rồi bác sĩ còn bảo tôi phải theo thuốc 5 năm. Nhưng mà tiền đâu để mua thuốc bây giờ” – giọng nói khắc khổ của bà chứa đựng bao nỗi đau.

Chuỗi ngày vô vọng

Hoàn cảnh khó khăn, 4 trong số 5 đứa con của ông bà phải bỏ học, đi bốc vữa từ nhỏ. Ông bà cố gắng vay mượn, lo cho con út là anh Phạm Văn Hưởng ăn học tử tế, với hy vọng con sẽ thay đổi cuộc sống gia đình. Hưởng vừa học giỏi vừa ngoan hiền. Nhận thấy sự nghèo khó bế tắc của gia đình, anh đã quyết chí học và đỗ vào Trường Đại học Hàng hải. Suốt thời gian Hưởng học đại học xa nhà, mặc dầu bệnh tật nhưng ông bà vẫn cố vay mượn tiền gửi cho con ăn học. 5 năm gian khổ qua đi, Hưởng ra trường đi làm với bao kỳ vọng của rất nhiều người, đặc biệt là bố mẹ già.

Song, cái khổ, cái cực cứ đeo bám, quấn chặt lấy gia cảnh ấy, đến cả “miếng ăn” đã bày ra trước mắt vẫn bị “hất đổ”. Ra trường, thử việc tại tập đoàn tàu thủy Vinalines chưa được một tháng thì Hưởng bị tai nạn trong một lần đi biển. Do bị chấn thương nặng ở đầu nên Hưởng đã qua đời ngay tại đấy. Niềm hy vọng về đứa con trai giờ đây biến thành nỗi đau quá lớn, quá sức tưởng tượng với ông bà.

Nhìn lên di ảnh của con, bà Hở nghẹn ngào: “Nó ngoan hiền, chăm chỉ, chịu khó thế, sao ông trời lại nỡ cướp nó đi. Hôm nghe tin nó bị tai nạn, ngày 19 tháng 11 âm lịch, mấy anh nó tụ tập về đây hết. Chúng sợ tôi không chịu nổi tin buồn nên nói dối là về chúc tết dương sớm cho bố mẹ. Một lúc sau, thằng thứ ba mới dám nói với tôi là em nó bị tai nạn, nhưng chỉ nói là gãy tay, hay gãy chân gì đó, bây giờ mấy anh em phải ra biển đưa em lên Hà Nội băng bó.

Lúc ấy tôi cũng lo lắm, người tự nhiên yếu dần, chân tay rụng rời, rồi nghĩ bụng “thôi chết, gãy cả chân và tay, nhà nghèo lấy gì mà chữa”. Tôi như linh tính được chuyện chẳng lành, tự nhiên người xỉu đi. Trong lúc mê man, tôi mơ thấy có điềm báo. Tôi bật dậy, sửng sốt, bảo đứa con dâu gọi điện hỏi xem tình hình em nó thế nào. Mà nó vẫn cứ giấu tôi là mẹ cứ yên tâm, Hưởng không sao hết. Rồi một ngày sau, người gọi điện tới liên tục. Đến 1 giờ chiều ngày 23 âm lịch, thì họ đưa xác nó về, đặt ngay trước cửa. Như cú sét đánh ngang tai, tôi ôm chặt quan tài của con trai rồi lịm đi lúc nào không biết”.

Giờ đây, mỗi lần có người vào, bà Hở lại ôm di ảnh con, nước mắt giàn giụa. “Nó ngoan và giỏi lắm, ông giám đốc còn bảo không mấy chốc mà nó được lên chức thuyền trưởng bởi nó là đứa trội nhất trong nhóm. Biết tin nó mất, cả làng ai cũng khóc, ai cũng thương. Sao mà cái số vợ chồng tôi nó khổ đến thế này” – càng nghĩ đến con, bà càng đau, càng tự than trách số phận.

Trong căn nhà nồng nặc mùi nước tiểu, tiếng khóc ai oán của bà Hở và tiếng sụt sịt của ông Sơn càng khiến không gian ảm đạm, thê thảm hơn.

Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình ông Sơn, ông Phạm Văn Dần (hàng xóm) cho biết: “Gia cảnh của 2 bác ấy quá éo le, bác trai bệnh tật, què quặt, không làm ăn được. Bác gái bị ung thư vú. Được mỗi một người con trai học hành thì mất. Giờ nợ nần chồng chất, thi thoảng lại có người đến đòi nợ. Ở đây không ai không biết cảnh khổ của nhà bác ấy”.

Rồi đây, số nợ gần 300 triệu đồng lo cho con trai học, cho ca mổ ung thư vú và tiền chữa bệnh cho ông Sơn đến bao giờ ông bà mới trả hết khi mà niềm hy vọng duy nhất đã bị chôn vùi.

Mọi sự giúp đỡ gia đình ông Phạm Văn Sơn, bà Nguyễn Thị Hở xin gửi về Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động, địa chỉ: 51 Hàng Bồ, Hà Nội; điện thoại: 04.39232756; ĐTDĐ: 098.222.1960/091.456.8886; hoặc chuyển về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, tài khoản: 102010000013374, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam, chi nhánh Hoàn Kiếm; hoặc bà Nguyễn Thị Hở (thôn Cự Lộc, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), điện thoại: 0982283046.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn