MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thất nghiệp, nữ công nhân oằn lưng nuôi mẹ già, con thơ và 3 em bệnh tật

Ngọc Trâm - Trân Trân LDO | 04/08/2021 06:00

Chồng mất, thân một mình nuôi mẹ già, con thơ và 3 người em trai bị tai biến, chị Dương Thị Hồng Chương càng khó khăn gấp bội khi rơi vào tình cảnh thất nghiệp vì đại dịch COVID-19.

20 năm làm công nhân lương tháng chỉ 5.000.000 đồng

Nhắc đến gia đình chị Dương Thị Hồng Chương ngụ tại phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ người dân xung quanh xóm đều ngậm ngùi và thương xót bởi số phận chị đã khổ trăm bề, nay lại phải gồng gánh người thân. Mẹ già yếu, con nhỏ và thêm 3 em mang bệnh tật đều dồn vào vai chị gánh vác.

Trước đây, chị cùng chồng chăm lo làm lụng, rồi xây dựng gia đình tại phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Lương công nhân tuy không nhiều nhưng hai vợ chồng vẫn đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Một ngày, chồng chị Chương đột ngột ra đi đã để lại trong lòng người vợ nỗi đau khôn xiết và gánh nặng của một trụ cột gia đình.

Một mình chị Chương vừa lao động lo cái ăn vừa tảo tần chăm sóc cho gia đình. Ảnh: Trân Trân

Nén nỗi bi thương, một mình chị Chương vất vả vừa lao động lo cho cái ăn vừa tảo tần chăm sóc cho gia đình. Hiện tại, chị đang chăm sóc mẹ già đã 80 tuổi mang trong mình căn bệnh tiểu đường, đau khớp lại thêm chăm lo cho 3 người em, hai người bị tai biến phải nằm liệt giường và một người mắc bệnh lao tủy.

Áp lực kinh tế và gia đình ngày càng oằn nặng trên đôi vai chị Chương. Cuộc sống gia đình vốn dĩ đã rất khó khăn vì đồng lương ít ỏi, nhưng nay do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, chị Chương ngậm ngùi thất nghiệp, khiến chị lao đao, không kịp "trở tay".

Chị Chương tảo tần lo cho em trai bị bệnh tai biến. Ảnh: Trân Trân

“20 năm nay, tôi làm công nhân tại xí nghiệp nhưng lương chỉ vỏn vẹn 5.000.000 đồng/tháng. Trước khi có dịch, tôi phải đong đếm chi phí sinh hoạt một ngày là 100.000 đồng vì nếu dùng hơn số tiền này thì không thể trang trải đến cuối tháng. Tiền điện, tiền nước mỗi tháng cũng phải hơn 1.000.000 đồng. Dù rất muốn cho mẹ, các em và các con có được bữa ăn đầy đủ hơn nhưng tôi chỉ có thể chọn những thực phẩm đơn giản từ 30.000 đến 40.000 đồng mỗi ngày. Bây giờ dịch bệnh bùng phát, tôi thất nghiệp nên không biết cuộc sống sắp tới phải lo liệu như thế nào”. - Chị Chương tâm sự trong nước mắt.

Trong căn bếp nhỏ, chúng tôi lặng người khi chứng kiến bữa cơm chính của cả một gia đình chỉ vỏn vẹn vài miếng cá kho mặn và một ít canh khổ qua. Hơn nửa tháng nay, gia đình chị Chương chỉ có thể sống lay lắt qua ngày với những bữa ăn đạm bạc như vậy.

Quyết tâm không cho con nghỉ học

Niềm tự hào lớn nhất của người mẹ chính là đứa con trai lớn đang theo học tại trường Y và cô con gái nhỏ đang học lớp 8. Năm học mới sắp đến, chi phí cho cả hai là một nỗi lo lớn trong lòng chị. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng chị quyết không để con nghỉ học giữa chừng. Chị cố gắng lo cho con mình được ăn học đến nơi đến chốn để con có được nghề nghiệp ổn định, tương lai tươi sáng hơn. Bởi lẽ, theo như lời chị: "Đời mình đã khổ rồi không để đời con mình phải khổ nữa!"

Chị Chương nghẹn ngào “gạt nước mắt” khi nói về hoàn cảnh gia đình mình hiện tại. Ảnh: Trân Trân

Nhắc về con mình chị Chương nức nở: "Tôi phải cắt giảm mọi chi tiêu kể cả tiền học thêm của cháu nhỏ để đủ chi trả tiền ăn uống, điện nước, sinh hoạt cho cả gia đình. Nghĩ mà xót! Nhưng không biết phải xoay sở như thế nào, giờ tôi lại thất nghiệp nên nặng gánh nỗi lo toan. Nhiều lúc tôi kiệt sức nhưng vẫn ráng gượng dậy mà lo cho gia đình. Tôi chỉ mong muốn dịch bệnh qua đi để tôi được đi làm, kiếm tiền chăm lo gia đình được ngày nào hay ngày đó.”

Hiểu được sự vất vả của mẹ, hai đứa con chị luôn cố gắng chăm ngoan học giỏi, không để mẹ phải bận lòng. Cháu bé nhỏ hằng ngày phụ giúp chị Chương công việc nhà, đỡ đần chị qua những ngày cơ cực. Nhìn thấy con san sẻ gánh nặng, chị cũng ấm lòng, lấy làm động lực nuôi con khôn lớn.

Những nỗi lo, niềm trăn trở vẫn còn đó, tình hình dịch bệnh phức tạp, nỗi khó khăn cứ thế chồng chất lên người lao động nghèo. Giờ đây, nguồn thu nhập chính của gia đình cũng không còn mà nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền vẫn đè nặng mỗi ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn