MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Kim nhận phần cơm từ con trai để đưa sang bên kia sông cho vợ

Bình Thuận: Ngàn hộ dân phải bơi sông để canh tác

HÀ ANH CHIẾN LDO | 25/08/2014 11:15
Sống ở bên này sông Dinh, nhưng “cái ăn” lại nằm bên kia sông, mỗi ngày có đến cả ngàn hộ dân xã Tân Hà (huyện Hàm Tân) phải tìm đủ mọi cách, từ đi xuồng, đi thuyền thúng, đến việc phải bơi qua sông Dinh để canh tác hoa màu và chăn nuôi. Và để có được cái ăn đó, trong 7 năm liên tiếp, đã có 13 người thiệt mạng do bị lũ cuốn trôi, trong đó có cả những cháu học sinh ra đồng để giúp cha mẹ. Bến Cây Gáo - nơi đã xảy ra nhiều cái chết thương tâm do nước cuốn trôi - đã được người dân đổi tên thành bến “đau thương”.
Bến đau thương…
Bến Cây Gáo là bến sông nằm ở thôn Suối Máu, xã Tân Hà. Mùa khô, khúc sông Bến Gáo phẳng lặng và cạn dòng, người dân có thể lội qua sông. Còn vào mùa mưa, con sông Dinh hung dữ đến cuồng nộ, đột ngột kéo lũ từ thượng nguồn về, cướp đi sinh mạng của 13 người dân xấu số ở 2 thôn Suối Máu và Đông Thanh của xã Tân Hà. Đã tròn 9 năm ngày ông Trần Bá Kim (60 tuổi, ngụ thôn Đông Thanh, xã Tân Hà) mất đi 2 người con gái là Trần Thị Diệu Huyền (SN 1985) và Trần Thị Thùy Trang chỉ trong vòng một ngày. Người chị Diệu Huyền đang vui mừng nhận giấy báo trúng tuyển của Trường Cao đẳng Công nghệ TPHCM, học tại TP.Đà Lạt, người em chuẩn bị thi đại học. Trước ngày nhập học, Diệu Huyền cùng em gái giúp ba mẹ chăn bò, trong lúc cố gắng lội vượt sông vào lúc trời nhập nhoạng tối thì một cơn lũ bất ngờ từ thượng nguồn đổ ập xuống, khiến cả hai bị cuốn trôi trong chớp mắt. Thi thể người em thì tìm thấy được ngay đêm đó, còn người chị thì mãi 3 ngày sau mới tìm thấy vùi trong gốc lùm tre bên bờ ở hạ nguồn.
Chúng tôi nghe được câu chuyện này từ chính ông Kim, khi ông bơi cắt sông Dinh về bên này sông để nhận hộp cơm từ người con trai là em Trần Bá Hiền, đang là học sinh lớp 9. Em Hiền nhiều lúc vẫn phải trực tiếp đưa cơm sang bên kia sông cho ba mẹ đang chăn hơn 10 con bò. “Vợ chồng tui nuôi hơn 10 con bò và còn làm mì, làm bắp ở bên kia sông Dinh. Để lo có cái ăn, cái mặc thì bà con chỉ còn cách “chống chèo” cố gắng qua lại” - ông Kim cho biết.
Trước đó, năm 1999, một cơn lũ lớn đã cuốn trôi hai vợ chồng nông dân khi đang băng qua sông Dinh, thì thể ông chồng phải hai năm sau mới được tìm thấy, chỉ còn bộ xương và chiếc đồng hồ bị vùi trong cát dưới chân cầu Tân Xuân. Năm 2003, ba mẹ con bà Huỳnh Thị Mỹ Lệ tranh thủ lúc nước cạn đánh xe bò lội qua sông thì bất ngờ lũ trên thượng nguồn đổ xuống, đánh lật úp và cuốn trôi chiếc xe bò cùng bà Lệ và người con gái Phan Thị Lý Huỳnh, một người con may mắn bám được vào con bò nên thoát nạn.

Ông Trần Bá Kim vẫn hàng ngày bơi qua dòng sông Dinh để canh tác và chăn bò 
Cần lắm một con thuyền!
Hiện nay, phương tiện đi lại, canh tác của người dân hai thôn Suối Máu và Đông Thanh đều là tự túc, chỉ có một vài người dân có thuyền thúng để băng sông, một số khác thì đi xuồng của ông Phạm Đức Thành tự đóng. Ông Thành năm nay 44 tuổi và có gần 14 năm lái đò trên bến Cây Gáo. “Nghề chính của tôi vẫn là làm nông, nhưng sống ở bến Cây Gáo, tôi chứng kiến nhiều cái chết quá thương tâm nên đã vay tiền từ ngân hàng và bỏ thêm một ít để mua cái xuồng. Người già và trẻ nhỏ tôi chở miễn phí, những người khác có thì đưa tôi 1.000 – 2.000 đồng, còn không thì tôi cũng chở” – ông Thành nói.
Ông Nguyễn Quang Hoàng – cán bộ địa chính xã Tân Hà - cho biết: Xã Tân Hà có khoảng 1.300 hộ dân thì có đến 70% các hộ dân phải sang bên kia sông để canh tác, trung bình mỗi hộ có 2-3 người. Nguyên cả thôn Suối Máu, chủ yếu là người dân tộc Rắc Lây với 125 hộ thì đều có 2-3ha đất nông nghiệp được cấp bên kia sông để canh tác. May có ông Thành tự mua xuống để đưa người dân qua bên kia sông. Chị Mang Thị Hợi – người dân tộc Rắc Lây, thôn Suối Máu - cho biết: Đi qua sông bằng xuồng rất là sợ, dễ bị lật, ra giữa sông lỡ xuồng bị chết máy rất nguy hiểm.
Ông Trần Hữu Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân - cho biết: Trước đây, huyện đã đầu tư một chiếc xuồng gỗ làm phương tiện đi lại qua sông, nhưng chỉ được 7 năm thì đã bị mục nát, hư hỏng, do không được bảo quản. Sau này, tỉnh Bình Thuận đã xin ngân sách từ trung ương được 10 tỉ đồng để xây dựng cầu bắc ngang sông Dinh, mọi thủ tục để triển khai dự án đã chuẩn bị xong thì “đùng” một cái nguồn vốn 10 tỉ đồng này lại được trung ương chuyển qua để mua xe cứu thương phục vụ hệ thống bệnh viện tuyến huyện. Bởi vậy, tỉnh Bình Thuận phải đổi phương án tự xây dựng cầu. Phương án ban đầu là sẽ xây dựng một chiếc cầu treo “bề thế” cho người dân, nhưng số tiền vận động quá lớn nên chuyển qua việc xây dựng một chiếc cầu bêtông có mặt cắt 4-5m, số tiền thực hiện cây cầu này cũng khoảng 7 tỉ đồng.
UBND huyện Hàm Tân cũng đang “đau đầu” trong việc tìm nguồn kinh phí. Trước mắt, người dân cần là một chiếc thuyền bằng chất liệu composite trong khi đợi xây cầu. Một chiếc thuyền như thế có thể từ 70 – 100 triệu đồng, chưa kể mua áo phao. “Khi có thuyền rồi, chúng tôi sẽ cử ông Thành là người đang chèo thuyền trên khúc sông này đi học thuyền trưởng và giao phương tiện cho ông Thành quản lý, bảo quản. Việc thu phí ở mức độ nào cũng được chính quyền địa phương quyết định để đảm bảo mức phí thấp nhất cho người dân yên tâm sang bên kia sông canh tác” – ông Trần Hữu Thành nói.

Để giúp đỡ bà con có phương tiện đi lại trước mắt - trong lúc đợi xây cầu - như mong muốn của chính quyền địa phương và người dân ở huyện Hàm Tân, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động xin tiếp tục tiếp nhận mọi sự ủng hộ tại địa chỉ: 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội; ĐT: 04.39232756/098.222.1960. Tại TP.Hồ Chí Minh: 39 Trương Định, quận 3, TP.Hồ Chí Minh; ĐT: 08.39330035. Tại Đà Nẵng: 86 Lê Duẩn, TP.Đà Nẵng; ĐT: 0511.3825132. Tại Cần Thơ: 101 Trần Văn Hoài, TP.Cần Thơ; ĐT: 0710.3823020. Hoặc chuyển khoản về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, STK: 102010000013374, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hoặc ủng hộ từ thiện miễn phí tại Vietcombank, STK: 0021000303088 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Hà Nội; hoặc tham gia ủng hộ trực tuyến  tại website: tamlongvang.laodong.com.vn.

Trân trọng cảm ơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn