MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (thứ hai từ phải qua trái) tham quan triển lãm APEC tại Cần Thơ.

APEC Cần Thơ 2017: Tuần lễ cho những kỳ vọng mới

NHẬT HỒ - TRẦN LƯU LDO | 31/08/2017 07:00
“Tuần lễ An ninh lương thực (ANLT) APEC Cần Thơ 2017” vừa khép lại với 3 văn kiện quan trọng được thông qua, mở ra những kỳ vọng mới cho vựa lúa ĐBSCL… 

Cần “bắt tay” chặt chẽ

Với 6 nhóm hoạt động lớn, “Tuần lễ ANLT APEC Cần Thơ 2017” đã diễn ra các sự kiện quan trọng: “Đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)”; “Đối thoại giữa các bộ trưởng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để tăng cường sản xuất lương thực và kinh doanh nông nghiệp bền vững”; các hội thảo kỹ thuật chuyên đề trong khuôn khổ hoạt động của các nhóm công tác: Xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng - tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương bền vững; thách thức đối với ANLT và tài nguyên nước trong bối cảnh BĐKH ở khu vực APEC… 

Hoạt động tại một doanh nghiệp lúa gạo ở ĐBSCL.

Đặc biệt, tại đối thoại ANLT đã thông qua 3 văn kiện quan trọng: “Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về ANLT và BĐKH (MYAP)”; “Kế hoạch hành động (AP) thực hiện Khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn - đô thị bền vững để tăng cường ANLT và tăng trưởng chất lượng” và “Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH”.

Tuyên bố này xác định rõ: ANLT sẽ tiếp tục là một vấn đề quan trọng đối với cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực APEC nói riêng, cần được giải quyết cùng nhau. Mối quan hệ ANLT - BĐKH cần được giải quyết thông qua “Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về ANLT và BĐKH”. 

Bên cạnh đó, các nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực đang phải chịu áp lực từ việc tiêu thụ quá mức, cần tăng cường phối hợp hơn nữa, bao gồm cả hợp tác trong khu vực, để thúc đẩy việc sử dụng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên đất, rừng, nước và biển - những nguồn tài nguyên rất quan trọng để đảm bảo cả ANLT và bảo vệ môi trường.

Các nền kinh tế thành viên APEC cần thúc đẩy phát triển nông thôn một cách toàn diện, có khả năng thích ứng và phát triển kinh tế nông thôn, bao gồm nâng cao năng lực cho nông dân, các nhóm yếu thế như phụ nữ và dân tộc thiểu số, những hộ gia đình sản xuất nhỏ và các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông nghiệp để đảm bảo sinh kế, giảm nghèo và cải thiện ANLT cho các cộng đồng nông dân và ngư dân.

Đồng thời thúc đẩy phát triển đô thị bền vững, kết nối nông thôn - đô thị tạo ra hệ thống lương thực đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của tất cả người tiêu dùng, đặc biệt là các nông hộ nhỏ và người nghèo thành thị… 

Tăng cường hợp tác công - tư

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, các kết quả của các hoạt động trong “Tuần lễ ANLT APEC Cần Thơ 2017” đã góp phần quan trọng cụ thể hóa một trong bốn ưu tiên của Năm APEC 2017 là “Tăng cường ANLT và phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH”, đồng thời thể hiện cam kết của các thành viên APEC đóng góp vào việc triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc đến năm 2030. 

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Sau gần 20 năm kể từ lần đầu tiên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC kêu gọi các nhà lãnh đạo thiết lập hệ thống lương thực APEC vào cuối năm 1998 với 3 sứ mệnh cơ bản (giải quyết phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, phổ biến những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và chế biến thực phẩm và thúc đẩy thương mại sản phẩm lương thực), đến nay các sứ mệnh này vẫn giữ nguyên tính đúng đắn. 

Ngày nay, giữa bối cảnh có nhiều thách thức mang tính toàn cầu, cộng đồng doanh nghiệp là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của mỗi biến động diễn ra. Mặc dù khu vực tư nhân đã chủ động tham gia một cách tích cực, nhưng những nỗ lực đó là chưa đủ. Những năm gần đây, hình thức hợp tác công - tư đang trở thành một trong các giải pháp điển hình.

Sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp giúp các chính phủ huy động được mọi nguồn lợi xã hội. Vì vậy, cần nỗ lực hợp tác để khu vực tư nhân, với sự đi đầu của các doanh nghiệp và các tập đoàn tham gia mạnh mẽ hơn nữa, trở thành đối tác chính giúp các nền kinh tế hình thành khả năng phục hồi sản xuất và thích ứng với BĐKH.

Không có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, mọi nỗ lực của các chính phủ sẽ trở nên đơn độc và yếu ớt. Mô hình hợp tác công - tư đem lại những lợi ích lâu dài, tối đa hóa hiệu quả hoạt động của cả khu vực công và khu vực tư nhân, tạo ra những sức mạnh lan truyền, cổ vũ và tạo động lực giúp huy động các nguồn lợi xã hội. 

Tại “Tuần lễ ANLT APEC Cần Thơ 2017” đã diễn ra nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương giữa lãnh đạo các bộ, ngành phụ trách nông nghiệp của các nền kinh tế thành viên APEC. Trong đó, Việt Nam và Australia đã ký kết “Ý định thư hợp tác lâu dài trong nghiên cứu nông nghiệp” và “Bản ghi nhớ về phòng, chống đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định” .

Hai bên cũng tuyên bố hoàn thiện các thủ tục mở cửa thị trường Australia cho quả thanh long Việt Nam và mở cửa thị trường Việt Nam cho quả anh đào Australia; cam kết phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh các thủ tục tiếp cận cho các nông sản khác, góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên.

Ngoài ra, hai bên cũng đã thống nhất một chiến lược hợp tác 10 năm, trong đó có định hướng về các lĩnh vực hợp tác nghiên cứu, các khu vực địa lý tập trung và những ưu tiên tài trợ cho chương trình nghiên cứu giai đoạn 2017 - 2027… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn