MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mắm tự nhiên cũng đã mọc trong vùng dự án kè mềm chắn sóng tạo bãi.

Bạc Liêu: Cây đã xanh ở bãi bồi ven biển

NHẬT HỒ LDO | 27/10/2017 06:31
Để bảo vệ bãi bồi ven biển, không gì hiệu quả bằng việc trồng rừng giữ đất. Những cánh rừng ngập mặn ven biển như một lá chắn vững chắc để bảo vệ bờ biển trước nguy cơ sạt lở do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Việc trồng cây gây rừng hiệu quả thế nào ai cũng biết, song không phải nơi nào cũng thực hiện được. 

Bãi bồi đã phủ màu xanh

Ông Nguyễn Văn No - ngụ ấp Vĩnh Điền, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải - chỉ vạt rừng mắm xanh um, nheo mắt cười: “Tôi đoan chắc 1 năm nữa khu vực này trở thành rừng. Cây phát triển tốt hết sức. Có cây, có rừng thì có cá, có tôm, có cua…”. Ông No cũng như nhiều người dân sống ở khu vực này khó tưởng tượng ra khu vực này trước đây là bãi bồi không có một cây xanh nào mọc lên. Từ khi triển khai dự án kè tạo bãi, rồi trồng cây mắm nên đã xanh mượt như vậy. Ông Nguyễn Văn Phú - người thu mua hải sản - cho rằng: “Rừng ở đây đẹp lắm. Mới trồng vài năm mà cao bằng đầu người rồi”.

Trước đây, khu vực đất này là một bãi biển trống, không hề có cây. Đây là nơi hàng ngày người dân ra để bắt ốc, bắt nghêu kiếm sống; nay đã được phủ một màu xanh. Những cây mắm trồng hơn 1 năm tuổi cao quá đầu người, bắt đầu giao tán, bung rễ bám đất. Nhiều cây đã ra trái và trái rụng xuống lại tự mọc lên đã cao hơn 5 tấc. Nhìn màu xanh của rừng mắm mới hơn 1 tuổi phát triển tốt, không chỉ những người thực hiện dự án yên tâm, mà người dân trong khu vực cũng tin tưởng vào sự thành công của dự án, tin tưởng cây mắm có thể bám trụ và chịu được tác động của sóng biển.

Cây mắm đã xanh ở bãi bồi ven biển Cái Cùng, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải.

Ông Lê Sĩ Thịnh - đơn vị thi công dự án gây bồi tạo bãi, trồng rừng - cho biết: “Dự án thực hiện trên địa bàn các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) và xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) với diện tích gần 150ha; kéo dài gần 12km (từ kinh Tư, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải đến mương 1, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình). Chiều rộng trồng rừng mới từ 150 - 200m, tính từ mép rừng cũ ra biển. Trong gần 150ha thuộc dự án này, có 120ha đã trồng cây được hơn 1 năm, diện tích còn lại mới trồng gần đây. Trước khi trồng rừng, đơn vị thi công đã xây dựng hệ thống kè mềm bằng 2 lớp cọc tre để gây bồi, tạo bãi (hơn nửa năm sau mới tiến hành trồng cây). Cây được trồng theo phương thức: Cây cách cây 1,5m, hàng cách hàng 2m. Trung bình, một hecta trồng khoảng 1.333 cây”. 

Giữ màu xanh cho bãi bồi 

Hiện Bạc Liêu đã triển khai thực hiện 3 dự án gây bồi, tạo bãi và trồng rừng với diện tích hàng trăm hecta ở phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu); 2 xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình); xã Long Điền Đông và thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải). Các dự án được triển khai thực hiện từ cuối năm 2015, đến nay hơn 100ha bãi biển ở xã Long Điền Đông đã bắt đầu phủ màu xanh của cây rừng

Tại phường Nhà Mát (TP.Bạc Liêu), dự án thực hiện hơn 200ha. Tuy nhiên, hiện có hơn 30ha mới được trồng cây. Riêng dự án thực hiện tại thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, giáp với đoạn G0 của kè Gành Hào) có khoảng 26ha đang trong giai đoạn thi công hệ thống kè cứng để gây bồi, tạo bãi (bởi đặc thù của khu vực này có nhiều sóng lớn nên không thể thi công kè mềm bằng tre).  

Ông Nguyễn Văn Trình - Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp tỉnh - cho biết, 3 dự án gây bồi, tạo bãi, trồng rừng có chiều dài hơn 20km/tổng chiều dài bờ biển Bạc Liêu là 54 km. Việc thực hiện các dự án này nhằm tạo tiền đề, thí điểm, rút kinh nghiệm để thực hiện gây bồi, tạo bãi, trồng rừng trên toàn tuyến ven biển Bạc Liêu. Đây là một trong những giải pháp lâu dài và là nỗ lực của tỉnh trong ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trồng rừng ven biển tại Bạc Liêu bước đầu đã thành công. Điều mà những người thực hiện dự án quan tâm là, trong thời gian tới chính quyền địa phương cần chú trọng truyền thông đến người dân trong vùng có ý thức bảo vệ rừng trồng cùng những thảm rừng bãi bồi ven biển... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn