MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phơi lu đất thành phẩm.

Bến Tre: Một làng nghề có nguy cơ… biến mất!

PHAN THỊ ANH THƯ LDO | 07/02/2017 09:20
Bà Võ Thị Bé Hai (70 tuổi - ngụ ấp Quý An Hòa, xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú) tiếc nuối: “Hồi trước xứ này có hơn 100 hộ sản xuất lu đất với hàng trăm lao động. Vậy mà bây giờ số hộ còn theo nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay...”.

Làng nghề lu đất xã Hòa Lợi được UBND tỉnh Bến Tre công nhận năm 2008. Theo nhiều người dân ở đây, làng nghề này đã có trên 50 năm và đã trải qua nhiều thăng trầm. Nhu cầu sử dụng các loại lu đất ngày càng giảm, người mua hiện nay chủ yếu là người dân vùng nông thôn sâu không có nguồn nước máy phục vụ sinh hoạt, người dân vùng ngập mặn. Cũng theo bà con, “ông tổ” làng lu đất Hòa Lợi là ông Đỗ Văn Đây. Thuở đó, thấy bà con trong xã thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, ông Đây đã khởi xướng việc làm lu đất chứa nước mưa, chứa nước ngọt từ các giếng đào (mỗi chiếc lu chứa được từ 80 - 120 lít nước). 

Thời kỳ “ăn nên làm ra, lu đất Hòa Lợi tiêu thụ tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL (Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang…). Ông Lê Văn Thán - người đã có 40 năm theo nghề này - kể: “Từ năm 1988 đến năm 2002, tại xã này nhà nhà làm lu, người người làm lu. Nhiều hộ “phất” lên mua sắm ghe, xe máy, xây nhà mới… Xã này nhỏ xíu mà có tới cả trăm chiếc ghe chuyên chở lu đi bán…”.

Tuy nhiên, sau thời kỳ hưng thịnh, sản phẩm của làng nghề ngày càng khó tiêu thụ. Nhiều người dân đã gắn bó với nghề này lo lắng trước nguy cơ bị làng nghề bị “xóa sổ” bởi “đầu ra” của sản phẩm ngày càng thu hẹp. Anh Văng Thành Đẹp (38 tuổi - ngụ ấp Quý An Hòa) băn khoăn: “Tôi làm nghề này đã trên 20 năm theo kiểu cha truyền con nối, dù khó khăn cũng phải bám nghề ông cha để lại…”.

Theo anh Đẹp, nguyên liệu chính sản xuất lu là đất sét lấy từ các thửa ruộng tại chỗ. Đất được mang về ép vào khuôn sắt để định hình. Sau khoảng 3 ngày, kéo miệng lu, quét lên lu một lớp xi măng để tạo màu và đem phơi nắng rồi giao cho thương lái. Hiện làng nghề chỉ còn sản xuất một loại sản phẩm duy nhất có chu vi đáy khoảng 1m, miệng lu 1,4m, giá bán 45.000 đồng/cái. Năm 2016 gia đình anh Đẹp sản xuất được 3.000 cái, lãi 60 triệu đồng. Tuy nhiên, có một “quy luật” mua bán bất thành văn: Thương lái mua lu đất cao điểm từ tháng 2 đến tháng 4 (âm lịch), chuyển xuống ghe tải trọng lớn đi bán khắp nơi, đến tháng 11 (âm lịch) mới thanh toán tiền cho người sản xuất. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn