MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CNLĐ nữ trình bày những chuyện bức xúc tại hội nghị.

Chính sách với lao động nữ: Không chỉ chuyện “một đêm”…

TRUNG NGÔN LDO | 18/11/2017 08:00

“Nếu nghỉ hưu trong năm 2017 thì ngoài lương hưu, tôi còn nhận khoản trợ cấp một lần cho 7 năm đóng thừa BHXH. Nhưng nếu nghỉ hưu từ ngày 1.1.2018 (tức chỉ sau một đêm), tôi mất đi 5 năm đóng BHXH…”.

Không chỉ chuyện “một đêm”, mà còn khá nhiều điều phi lý và thiệt thòi đối với lao động (LĐ) nữ đã được nêu ra tại Hội nghị (HN) Đối thoại với người lao động (NLĐ) về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN do Tổng LĐLĐVN và BHXHVN vừa tổ chức tại Tiền Giang.

Lao động nữ bức xúc

Nhiều đại biểu là nữ cán bộ công đoàn (CĐ), nữ CNLĐ đã đến dự HN với nỗi bức xúc về cách tính lương hưu mới của Luật BHXH năm 2014, có hiệu lực từ 1.1.2018. Theo đó, LĐ nữ phải đóng BHXH đủ 30 năm mới được hưởng lương hưu tối đa, thay vì 25 năm như hiện nay. Quy định mới này khiến hầu hết LĐ nữ đều băn khoăn, lo lắng. Một đại biểu nữ dự HN bức xúc: “Tôi năm nay 53 tuổi, đã công tác và tham gia đóng BHXH được 32 năm. Nếu đủ điều kiện nghỉ hưu trong năm 2017 thì ngoài việc được hưởng mức lương hưu tối đa 75%, tôi còn nhận được khoản trợ cấp cho 7 năm đóng thừa BHXH. Nhưng nếu nghỉ hưu từ ngày 1.1.2018 (tức chỉ sau một đêm) thì tôi mất đi 5 năm đóng BHXH, chỉ còn nhận khoản trợ cấp cho 2 năm đóng thừa. Điều này quá phi lý và thiệt thòi cho những trường hợp như tôi”.

Sự thay đổi trên còn làm nhiều LĐ nữ lo lắng và có những dự tính mới cho công việc của mình. Một CNLĐ ngành may mặc chia sẻ: “Tôi đã làm CN và đóng BHXH được hơn 10 năm. Tôi dự định làm thêm ít năm nữa rồi tìm việc làm khác nhẹ nhàng hơn phù hợp lứa tuổi, nhưng vẫn duy trì đóng BHXH tự nguyện đủ 25 năm để được hưởng lương hưu. Nhưng theo quy định mới, tôi sẽ phải đóng BHXH 20 năm nữa mới được hưởng lương hưu. Khả năng tôi không đủ sức khỏe làm ở Cty nữa, nên sẽ xin hưởng chế độ BHXH một lần”. 

Một nữ cán bộ CĐ ở KCN Tân Hương phản ánh: Hiện NLĐ nữ khi sinh con được giải quyết chính sách khá thỏa đáng. Đó là khi sinh nở bình thường. Còn nếu phát hiện thai chết lưu, thai phụ không chỉ bị mất hạnh phúc làm mẹ, mà còn gặp rất nhiều khó khăn, phiền toái trong việc hưởng chính sách thai sản. Một nữ cán bộ CĐ khác nêu thực trạng: Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, sau đó được “tư nhân hóa” khi cổ phiếu được tập trung về một vài người. NLĐ đến khi nghỉ việc chỉ được trả trợ cấp (nửa tháng lương cho mỗi năm làm việc) thời gian từ cổ phần hóa trở về sau, còn giai đoạn doanh nghiệp nhà nước thì không được trả. Nhiều nội dung khác về chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; chế độ phụ cấp độc hại;… cho LĐ nữ cũng được nhiều đại biểu nêu ra tại HN.

Chia sẻ với lao động nữ

Bà Đoàn Thị Kiếm - Chủ tịch CĐCS Cty CP May Sông Tiền - bức xúc: “Tôi không đồng tình với cách tính lương hưu mới; bởi nó thiệt thòi cho LĐ nữ nhiều quá, nhất là LĐ nữ ngành dệt may”. Theo bà Kiếm, dệt may là ngành nặng nhọc, độc hại, CNLĐ nữ 55 tuổi nghỉ hưu đã là quá sức. Kéo dài tuổi hưu là không thể đối với công việc cần sự tỉ mỉ, khéo léo này. “Đời sống CNLĐ nói chung, CN ngành dệt may nói riêng còn vô vàn khó khăn. Họ chạy ăn từng bữa, cố gắng tăng ca, xoay xở làm thêm để có thêm thu nhập, thì việc giảm lương hưu thật sự là vấn đề lớn đối với họ” – bà Kiếm chia sẻ.

Ông Trương Văn Hiền - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang - cho biết, LĐLĐ tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh quy định về thời gian đóng BHXH để tính lương hưu đối với LĐ nữ dự kiến được áp dụng từ ngày 1.1.2018. Theo ông Hiền, nếu áp dụng quy định thời gian đóng BHXH để tính lương hưu theo cách mới sẽ rất thiệt thòi cho LĐ nữ đã đóng BHXH đủ 25 năm và sẽ nghỉ hưu từ ngày 1.1.2018. Được biết, trước những bức xúc của cán bộ CĐ, CNVCLĐ - đặc biệt là LĐ nữ - Tổng LĐLĐVN đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội có phương án tạm thời chưa thực hiện khoản 2, Điều 56, Luật BHXH năm 2014 từ ngày 1.1.2018. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn