MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Nguyễn Phước bên những phần thưởng cao quý.

Chuyện một người Long An thầm lặng

TRUNG NGÔN LDO | 21/09/2017 07:00
Ông có mặt trong số những khách mời đến dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày tỉnh Long An được tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Đã có biết bao người con Long An thầm lặng hy sinh, cống hiến để viết nên “Tám chữ vàng” cho vùng đất bên bờ sông Vàm Cỏ. Ông cũng là một người Long An như vậy.

Theo bước cha anh

Ông tên Nguyễn Phước, sinh năm 1950 tại xã Long Ngãi Thuận (huyện Thủ Thừa, Long An). Cha tham gia chống Pháp rồi tập kết ra Bắc, ông lớn lên trong sự cơ cực của mẹ. Học hết lớp 4, ông phải nghỉ để đi làm mướn, coi trâu. Năm 1963, phong trào cách mạng địa phương phát triển mạnh, ông xin vào du kích xã khi vừa tròn 13 tuổi, sau gia nhập Trung đội biệt lập huyện Bến Thủ, cùng đồng đội trải qua những trận đánh nảy lửa.

Cuối năm 1965, ông được rút về chiến trường miền Đông, tham gia Tỉnh đội TNXP. Năm 16 tuổi ông được trao danh hiệu “Dũng sĩ Quyết thắng”. Năm 1967, ông được đưa đi học lớp y tá. Ra trường, ông về phục vụ tại Bệnh viện K77A-D82, làm Trưởng phòng Băng và tiểu phẫu. Thương binh mà ông chăm sóc phần nhiều là học sinh, sinh viên miền Bắc, chính họ đã chỉ dạy cậu bé y tá ham học Nguyễn Phước học đến lớp 6, lớp 7, lớp 8… 

Đúng vào Ngày sinh nhật Bác 19.5.1968, B52 rải thảm trúng đơn vị, làm chết 3 bác sĩ (BS) và 12 thương binh. Ông và các đồng đội không quản hiểm nguy, lao vào lửa đạn cứu thương binh. Ngay khi khói bom B52 vẫn còn ngụt ngụt, ông được kết nạp Đảng ngay tại trận địa. Năm 1969, ông được đưa đi học lớp y sĩ. Năm 1972 ông được cử đi miền Bắc học tiếp ngành y.

Ra đến Hà Nội, ông phải cật lực học “bổ túc công nông” để hoàn thành chương trình THPT, rồi thi đậu vào Trường Đại học Y. Truyền thống gia đình, phong trào cách mạng ở quê hương đã đưa cậu bé chăn trâu thất học trở thành BS cách mạng. Ông trở về quê nhà nhận nhiệm vụ Phó Trưởng ban Ban Bảo vệ sức khỏe kiêm Trưởng khoa Nội A (thường được gọi là Bệnh viện (BV) Bảo vệ sức khỏe (BVSK) Long An).

Trên 30 năm làm BS và chỉ giữ duy nhất một chức vụ, trải qua bao biến thiên thời cuộc, ông như đứng một bên con đường “quan lộ”, toàn tâm toàn ý làm chuyên môn, phục vụ sức khỏe cán bộ, nhân dân.

Đột phá ở Long An 

Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, cả nước dõi mắt về Long An khi nơi đây đột phá cải tiến trong phân phối lưu thông, mà sự thành công của nó sau đó đã góp phần vào công cuộc đổi mới của đất nước. Cùng thời điểm đó, cũng ở Long An có một sự đột phá khác, thầm lặng hơn, nhưng cũng thành công vang dội, trong lĩnh vực y tế. Chính BS Nguyễn Phước đã làm nên kỳ tích ấy khi đã dày công gầy dựng BV BVSK Long An từ con số không thành cơ ngơi khang trang, hiện đại - một mô hình y tế tiên tiến điển hình của tỉnh Long An và cả nước.

Lúc ấy, cũng như bao cơ sở y tế cùng loại khác trên cả nước, BV BVSK Long An được bao cấp hoàn toàn. Trong khi điều kiện ngân sách của tỉnh rất giới hạn, nên cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật cho BV rất nghèo nàn; đội ngũ thầy thuốc chỉ có 1 BS (Nguyễn Phước) cùng 3 - 4 y tá, y sĩ… Chính BS Nguyễn Phước đã vay mượn tiền mua sắm trang thiết bị hiện đại, rồi tổ chức khám chữa bệnh có thu phí để có tiền trả cho chủ nợ. Không chỉ trả hết vốn và lãi, BV BVSK Long An còn là cơ sở y tế cùng loại đầu tiên cả nước nộp ngân sách địa phương (năm 2003 nộp 754 triệu đồng).

Những năm tháng ấy, tỉnh Long An luôn bận bịu đón các đoàn khắp cả nước đến tìm hiểu, học tập kinh nghiệm cải tiến phân phối lưu thông, y tế. Trong đó, riêng mô hình “BVSK - Nội A” không chỉ không bám ngân sách địa phương mà còn có nộp ngân sách, đã đón tổng cộng 58 đoàn trung ương, các tỉnh thành cả nước đến học tập kinh nghiệm. 

Với lực lượng rất mỏng ban đầu, nên suốt 4 năm (từ 1980 - 1984), BS Nguyễn Phước đã trực suốt hơn 1.000 ngày đêm không nghỉ. Những ngày đó, có việc gì cần kíp lắm ông mới rời BV, mà chỉ đi xa nhất vài chục cây số, để có việc là trở về ngay để giải quyết. Vừa làm, ông vừa đào tạo lực lượng trẻ, đưa họ đi học, dần phát triển lực lượng, đến năm 1985 BV có 14 BS hoặc tương đương.

Trong suốt hơn 30 năm lãnh đạo BV BVSK Long An, BS Phước cùng tập thể BV chưa để xảy ra sai sót đáng kể nào. Vừa làm chuyên môn, vừa quản lý, ông vừa học tập - nghiên cứu khoa học: Học 3 chuyên khoa; thực hiện hơn 30 đề tài khoa học từ cấp cơ sở tới trung ương; lấy 3 bằng cử nhân. Năm 2012, ông được phong danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Ông cũng được tặng những phần thưởng cao quý khác: Huân chương Quyết thắng hạng I, hạng II; Huân chương Lao động hạng II, hạng III…

Còn sức còn cống hiến 

Bây giờ đã nghỉ hưu, về với đời thường, nhưng ông vẫn không ngơi nghỉ. Ông tham gia nhiều tổ chức hội: Cựu Chiến binh, Cựu TNXP, Cựu Giáo chức, Hội Luật gia, Hội Người cao tuổi, Hội Từ thiện,… Ông đã vận động đóng góp cho các chương trình an sinh xã hội của địa phương gần 750 triệu đồng. Đặc biệt, với chuyên môn sẵn có, ông đã tư vấn về sức khỏe cho hàng chục ngàn lượt người. Ông luôn là chỗ dựa của chính quyền địa phương và là địa chỉ tin cậy của những người dân cần sự giúp đỡ.

Ngay trong ngày dự lễ kỷ niệm 50 năm Long An được tặng “Tám chữ vàng”, ông cũng dành thời gian để tư vấn cho ba bốn cựu chiến binh đến dự lễ cách sống chung với những căn bệnh hay gặp ở tuổi già như u xơ tuyến tiền liệt, giảm trí nhớ, cao huyết áp, thoái hóa khớp, goute… Ông quan niệm, Đảng và nhân dân đã cho ông đi học nhiều về ngành y, bây giờ dù không còn công tác, nhưng cũng phải sử dụng cho thật hiệu quả những gì đã học được, đặc biệt là các chứng bệnh “lão khoa” mà ông may mắn được đào tạo khá bài bản.

Nhắc về “Tám chữ vàng” mà tỉnh nhà Long An được phong tặng cách đây 50 năm, giọng ông xúc động: “Thật quá xứng đáng và kịp thời! Việc phong tặng đã có tác dụng động viên, cổ vũ rất lớn quân và dân Long An vượt quá khó khăn giản khổ, chiến đấu thắng lợi hoàn toàn. Tôi cứ ray rứt nhớ về hàng trăm đồng đội đã thầm lặng hy sinh để chúng ta có được ngày hôm nay”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn