MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có trách nhiệm với nguồn nước ngầm

KỲ QUAN LDO | 17/11/2017 16:00
Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), người dân các vùng ven biển một thời phải vất vả với chuyện nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất vào mùa khô. 

Một thời chưa xa, người dân Cà Mau phải trữ nước mưa sử dụng cho những tháng mùa khô. Nước mưa trữ không đủ dùng, người dân nơi đây phải “mua” nước ngọt được ghe hoặc xe bồn chở về từ sông Hậu. Đó là nước cho sinh hoạt, còn vào mùa khô mọi chuyện sản xuất cần đến nước ngọt đều phải dừng, vì nước cho ăn uống còn khó, nói gì cho sản xuất.

Cách nay vài thập niên, khi nước ngầm được khai thác tầng sâu đảm bảo chất lượng cho sinh hoạt, sản xuất, người dân các vùng ven biển ở ĐBSCL không còn “khát nước” vào mùa khô như trước. Không chỉ sử dụng cho sinh hoạt, người dân Cà Mau còn khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất. Theo số liệu thông kê chưa đầy đủ, hiện số công trình khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh Cà Mau khoảng 175.000, tương đương tổng lượng khai thác nước dưới đất khoảng 426.000 mét khối/ngày. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở các tỉnh ven biển khác như Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre…, tuy mức độ có khác nhau.

Khai thác nước ngầm một cách tùy tiện đang làm cho vùng ĐBSCL đối mặt với 2 nguy cơ, mà nếu không nhanh chóng khắc phục, thế hệ con cháu của vùng đất này sẽ phải gánh chịu hậu quả. Đó là tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm và sụt lún mặt đất. Vấn đề càng thêm nghiêm trọng trong điều kiện biến đổi khí hậu ảnh hưởng ngày càng nặng nề đến vùng ĐBSCL.

Trước thực tế đó, mới đây tỉnh Cà Mau đã tổ chức hội thảo thông qua báo cáo quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Cà Mau đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đến thời điểm này, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng tỉnh Cà Mau vẫn chưa đưa được nguồn nước ngọt từ thượng nguồn về. Nguồn nước mặt ở Cà Mau chủ yếu là nguồn nước biển, còn nước ngọt hầu như không có. Do đó, nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt chủ yếu là nguồn nước ngầm và nước mưa.

Đã đến lúc cần quan tâm đánh giá khả năng thu gom, sử dụng nguồn nước mặt từ sông Hậu, nước mưa, hồ chứa… Đồng thời, chất lượng nguồn nước ngầm cũng cần quan tâm đánh giá để có giải pháp quản lý, sử dụng đúng mục đích, hạn chế đến mức thấp nhất về ô nhiễm. Vì tương lai lâu dài, không riêng tỉnh Cà Mau, mà toàn vùng ĐBSCL cần có đánh giá hiện trạng sử dụng và dự báo để có giải pháp phù hợp; cần tăng cường nghiên cứu tìm phương án đột phá để cải thiện nhanh tình trạng sử dụng nước ngầm hiện nay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn