MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu hoạch cá tra ở vùng ĐBSCL.

Đồng bằng sông Cửu Long: “Méo mặt” vì giá cá tra tăng

TRẦN LƯU LDO | 07/02/2017 09:25
Lúc thả nuôi giá bán bấp bênh, đến khi “treo ao” giá lại tăng mạnh. Thực trạng này đã tồn tại từ nhiều năm qua khiến người nuôi cá tra ở ĐBSCL điêu đứng…

Sau thời gian sụt giảm, hiện giá cá tra tại vùng ĐBSCL đã tăng từ 500 - 800 đồng/kg so thời điểm cuối năm 2016. Hiện cá tra thịt trắng giá 21.000 - 22.000 đồng/kg. Giá tăng khiến không ít người nuôi cá tra ở vùng ĐBSCL… “méo mặt” vì trước đó do thua lỗ, nhiều hộ đã “treo ao”.   

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong 2 năm 2015 - 2016, vùng ĐBSCL đã thu hẹp dần diện tích nuôi cá tra cho phù hợp với tình hình tiêu thụ trong và ngoài nước. Tại Đồng Tháp, khoảng 40% diện tích ao nuôi bỏ trống, tại Trà Vinh gần 50% diện tích rơi vào tình cảnh tương tự...  

Trước đó, năm 2016 có thời điểm, giá cá tra nguyên liệu tại vùng ĐBSCL đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Cụ thể, tại TP.Cần Thơ và nhiều tỉnh (An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre…), giá cá tra nguyên liệu loại thịt trắng ở mức từ 17.500 -18.500 đồng/kg, giảm hơn 2.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước.

Giới thông thạo cho biết, giá xuất khẩu quá thấp như hiện nay còn do chính các nhà xuất khẩu cạnh tranh gay gắt, muốn giành đơn hàng đã giảm giá bán sát đáy, kéo theo chất lượng giảm và giảm giá thu mua. Các nhà nhập khẩu biết được điều này nên càng trả giá thấp. 

Hiện nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đã trực tiếp nuôi cá tra để chủ động phần lớn nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Gần đây, giá cá tra phi lê xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp vẫn bình ổn, nhưng giá thu mua cá tra nguyên liệu lại giảm mạnh khiến các hộ nuôi cá tra thiệt thòi.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), thời gian tới, do diện tích nuôi giảm trong khi đó lại thiếu cá giống nên từ nay đến hết quý I/2017, cá tra nguyên liệu có thể sẽ thiếu hụt và giá sản phẩm tăng mạnh… 

Tiền Giang: Tháng 1, diện tích nuôi thủy sản giảm 12% so cùng kỳ

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, tháng 1 nông dân trong tỉnh thả nuôi 6.809ha thủy sản các loại, so cùng kỳ năm trước giảm 12%. Nguyên nhân do nắng nóng kéo dài, mực nước thấp nên số hộ nuôi nhỏ lẻ thả nuôi chậm. Các hộ nuôi tôm thâm canh đang cải tạo ao, đầm cho vụ nuôi mới, chờ khi độ mặn và thời tiết thích hợp tiến hành thả giống. Còn các hộ nuôi tôm quảng canh đã tiến hành thả nuôi. T.P

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn