MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản xuất lúa gạo ở vùng ĐBSCL cần tích tụ ruộng đất để làm ăn lớn.

Đồng bằng sông Cửu Long: Tích tụ ruộng đất để làm ăn lớn

TRẦN LƯU LDO | 25/10/2017 07:00

Tích tụ ruộng đất được xem là hướng đi đúng và phù hợp trong bối cảnh nền nông nghiệp đòi hỏi phải có sự liên kết để cạnh tranh. Với những giải pháp căn cơ và đồng bộ, tích tụ ruộng đất được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội làm ăn lớn cho Đất Chín Rồng… 

Nhiều cách làm hiệu quả

Trong bối cảnh nền nông nghiệp sản xuất manh mún, thời gian qua tại vùng ĐBSCL đã có những mô hình tích tụ ruộng đất được thực hiện dưới nhiều hình thức, mang lại hiệu quả rất cao. Tại Đồng Tháp, giai đoạn 2011 - 2017, toàn tỉnh có 220.000ha đất trồng lúa, bình quân chỉ khoảng 0,5ha/hộ.

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã tăng quy mô sản xuất: Tư vấn, tập huấn quản lý, tập huấn kiến thức quản lý - kiến thức sản xuất cho hộ sản xuất có quy mô trang trại trở lên (3ha); tạo điều kiện để ngân hàng cho vay và hỗ trợ 50% lãi suất cho các hộ vay để thuê đất, để san bằng mặt ruộng bằng tia lazer. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 600ha đất được tích tụ với nhiều hình thức, hầu hết đều mang hiệu quả cao hơn so với trước; nhất là đối với người cho thuê đất (thu nhập từ cho thuê; từ công việc khác như chăn nuôi, trồng cây cảnh, làm thuê cho các doanh nghiệp…)… 

Còn tại Tiền Giang có 178.390ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 71,12% tổng diện tích tự nhiên). Phương thức sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn dựa trên quy mô hộ gia đình với đặc trưng đất hẹp, người đông (bình quân diện tích đất nông nghiệp là 0,57ha/hộ). Điều này đã cản trở việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng đồng bộ về quy trình sản xuất, chủng loại sản phẩm... gây khó khăn trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Để khuyến khích việc tích tụ, tập trung đất đai trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang cũng đã triển khai thực hiện nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất theo hướng sản xuất quy mô lớn. Trong đó, mô hình tập trung ruộng đất qua phát triển kinh tế trang trại đang mang lại hiệu quả rất cao. Hiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 410 trang trại (tăng gấp 2,5 lần so năm 2011); trong đó quy mô trang trại có diện tích lớn nhất thuộc lĩnh vực trồng trọt (bình quân 15,3ha/trang trại). 

Các trang trại nuôi trồng thủy sản ở Tiền Giang sử dụng diện tích đất nhiều nhất (khoảng 349ha). Điều này cho thấy xu hướng tích tụ ruộng đất ngày càng tăng với quy mô lớn. Việc phát triển mạnh các mô hình trang trại cũng góp phần chuyển dần hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang mô hình sản xuất tập trung hơn; mức độ ứng dụng cơ giới hóa, khoa học - công nghệ trong sản xuất cao hơn, từ đó đem lại hiệu quả cao hơn kinh tế hộ. Đây cũng là phương thức tích tụ, tập trung ruộng đất phù hợp với định hướng chung của nhà nước và tình hình thực tế tại Tiền Giang… 

Căn cơ và đồng bộ

Tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nghị quyết yêu cầu các bộ phải trình đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền. 

Ông Mai Anh Nhịn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết, Kiên Giang là địa phương sản xuất lúa gạo lớn nhất vùng ĐBSCL với sản lượng 4,5 triệu tấn và 500.000 tấn thủy sản mỗi năm. Tuy nhiên, chế biến nông sản lại rất hạn chế do hạ tầng giao thông yếu kém, các doanh nghiệp ngán ngại, trong khi thị trường tiêu thụ khó khăn. Hiện Kiên Giang đã chuyển đổi một diện tích lớn trồng lúa sang luân canh tôm, cua để nâng cao thu nhập cho nông dân. "Hướng tới, chúng ta phải sản xuất lớn, không thể sản xuất nhỏ lẻ nữa, nhưng khi đó chính sách về đất đai sẽ ra sao? Cần đẩy nhanh triển khai việc tích tụ ruộng đất một cách rõ ràng, cụ thể gắn với đầu tư hạ tầng đồng bộ" - ông Mai Anh Nhịn nêu ý kiến.  

Theo Sở NNPTNT Tiền Giang, tích tụ, tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi phù hợp. Nhà nước cần có chính sách tích tụ và tập trung ruộng đất có quy mô đủ lớn, ổn định lâu dài, phù hợp với các mô hình sản xuất khác nhau của từng vùng sản xuất. Bên cạnh đó là ban hành cơ chế, chính sách làm rõ cơ sở pháp lý về hộ nông dân (nhất là hộ kinh tế nông trại quy mô lớn) và quyền, lợi ích trong sử dụng đất, thu hồi đất, sử dụng quyền sử dụng đất trong thừa kế, vay vốn tín dụng, tham gia liên doanh, liên kết, đóng góp cổ phần.

Ngoài ra, cần quy hoạch đất nông nghiệp ổn định, đồng bộ với quy hoạch dịch vụ, tổ chức khoa học và công nghệ, thương mại, công nghiệp chế biến... thành những cụm công - nông nghiệp; giao đất dài hạn cho nông dân (từ 50 - 70 năm), ở các vùng sản xuất nông nghiệp ổn định nên giao lâu dài. Đặc biệt là quy hoạch quy mô lớn/hộ sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ tích tụ và tập trung ruộng đất để phát triển mô hình nông nghiệp hiện đại, tập trung quy mô lớn; có các giải pháp thúc đẩy nông dân tự nguyện dồn điền đổi thửa, tích tụ và tập trung ruộng đất thành cánh đồng lớn. 

Trước mắt, đề xuất  Chính phủ cho phép thí điểm các chính sách mới về chính sách đất đai: Nâng mức hạn điền lên trên 10ha nhằm phát triển kinh tế trang trại, tăng tính hiệu quả sản xuất ở vùng chuyên canh lúa gạo; nới lỏng quy định về quản lý đất lúa để tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi; hỗ trợ tín dụng trung hạn, dài hạn và đơn giản các thủ tục, tạo điều kiện cho các hộ nông dân sản xuất giỏi tích tụ ruộng đất; miễn hoặc giảm phí chuyển nhượng đất đai giữa các hộ nông dân trong vùng chuyên canh đã được quy hoạch... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn