MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nghệ sĩ biểu diễn trong ngày “Giỗ Tổ”.Ảnh: N.T

“Giỗ Tổ” sân khấu ở cái nôi của đờn ca tài tử

NHƯ THỦY LDO | 03/10/2017 13:46
Long An (cùng với Bạc Liêu) được xem là những cái nôi của đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ. Ngày Sân khấu Việt Nam năm nay (ngày 12.8 âm lịch - giới sân khấu ở Long An thường gọi là “Giỗ Tổ”) ở Long An được ghi nhận là “hoành tráng” nhất đồng bằng với sự tham dự của hàng ngàn người…

Ở nơi có 2 đoàn nghệ thuật 

Dừng chân ở Long An (huyện Cần Đước) vào giữa thế lỷ 19 trong cuộc hành trình phiêu bạt về phương Nam để không nhìn thấy cảnh triều đình nhà Nguyễn đầu hàng giặc Pháp, nhạc quan triều đình Nguyễn Quang Đại đã mở các lớp dạy nhạc. Dòng nhạc bác học, khuôn thước của triều đình đã được hòa trộn với dòng nhạc dân gian Nam Bộ phóng khoáng, mộc mạc, tạo nên một hiện tượng âm nhạc kỳ thú mà sau khi định hình được mang tên ĐCTT Nam Bộ. Được thầy Ba Đợi (nhạc sư Nguyễn Quang Đại) đặt nền móng, các thế hệ nghệ sĩ ở Long An đã phát triển rực rỡ phong trào ĐCTT và nghệ thuật cải lương (CL) ở địa phương, bất chấp những thăng trầm của thời cuộc.

Trước ngày miền Nam giải phóng, chỉ Sài Gòn mới có những đoàn CL chuyên nghiệp đúng nghĩa, còn các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có chăng là những gánh hát nhỏ (thường gọi gánh “Bầu Tèo”). Long An đã mạnh dạn thành lập đoàn CL chuyên nghiệp vào năm 1977, không phải một, mà đến hai đoàn (Đoàn CL Long An và Đoàn CL Vàm Cỏ, sau đó nhập lại thành Đoàn Nghệ thuật (NT) CL Long An). Các đoàn CL của Long An đã “làm mưa làm gió” suốt hơn một thập kỷ sau đó suốt từ Nam chí Bắc. Long An cũng là tỉnh duy nhất (cả nước) hiện có đoàn xiếc chuyên nghiệp, trong tình hình khó khăn của sân khấu hiện tại vẫn tự trang trải được, nhà bạt mang tên “Xiếc Long An” hiện diện trên khắp các vùng miền cả nước. 

Ngoài các đoàn sân khấu chuyên nghiệp, hoạt động sân khấu không chuyên ở Long An cũng rất sôi động. Trung tâm Văn hóa tỉnh, Câu lạc bộ Hát bội truyền thống Long An cùng các đội, các nhóm ĐCTT trong tỉnh có nhiều đóng góp tích cực và đạt nhiều thành quả đáng khích lệ. Nhiều nghệ sĩ, diễn viên của tỉnh đạt những danh hiệu cao quý do Nhà nước phong tặng cùng rất nhiều giải thưởng của ngành sân khấu. 

Ngày hội sân khấu

Trong 2 ngày 30.9 và 1.10 (11 và 12 tháng 8 âm lịch), Sở VHTTDL, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Long An đã tổ chức họp mặt kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam và 40 năm ngày thành lập Đoàn NTCL Long An. Đến dự lễ kỷ niệm có hầu hết các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Long An; các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh cùng hàng ngàn lượt văn nghệ sĩ, nghệ nhân tỉnh Long An, TPHCM và các tỉnh lân cận, những người hâm mộ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Hoàng Văn Liên đã biểu dương thành tích của các đơn vị nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ sân khấu với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phục vụ nhu cầu tinh thần và thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Dịp này, các cá nhân, tập thể tiêu biểu được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì những đóng góp cho sân khấu Long An trong 40 năm qua. Đặc biệt, hai nghệ sĩ trẻ Hoàng Dư và Hoàng Oanh được khen thưởng vì có thành tích tốt trong cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm 2017.

Các nghệ sĩ đốt nhang bàn thờ Tổ.Ảnh: N.T

Tại lễ kỷ niệm, nhiều trích đoạn, tiết mục đặc sắc đã được thể hiện với sự góp mặt của các nghệ sĩ Đoàn NTCL Long An cùng các nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Lệ Thủy, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Hồ Ngọc Trinh, NSƯT Phượng Loan, nghệ sĩ Chí Tâm… Ngoài lễ kỷ niệm chính thức được tổ chức tại Đoàn NTCL Long An, nhiều hoạt động kỷ niệm cũng được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, CLB Hạt hội, CLB ĐCTT TP.Tân An và nhiều nhóm ĐCTT khác. 

Box: Tại tỉnh Bạc Liêu, kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam, Liên hiệp các Hội VHNT phối hợp cùng Sở VHTTDL tỉnh tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Tại Nhà hát Cao Văn Lầu đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc do các diễn viên Đoàn CL Cao Văn Lầu thể hiện. Lãnh đạo tỉnh cùng các văn nghệ sĩ cũng đến viếng Khu Lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đốt nhang tưởng nhớ công lao người sáng tác bản “Dạ cổ hoài lang” - tiền thân của bài vọng cổ ngày nay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn