MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghề dệt chiếu ở Hậu Giang đang dần mai một.

Hậu Giang: Nghề dệt chiếu ngày càng... teo tóp

HUỲNH MAI LDO | 02/11/2017 17:00

10 năm trở về trước, nghề dệt chiếu ở huyện Châu Thành và TX.Ngã Bảy còn hưng thịnh với sản phẩm đa dạng về mẫu mã, bền, đẹp. Tuy nhiên, thời gian sau đó, nghề dệt chiếu tại 2 địa phương này đang dần bị mai một...

Chỉ còn người lớn tuổi theo nghề

Xã Đông Thạnh (huyện Châu Thành) từng là nơi có khá nhiều hộ dân theo nghề dệt chiếu. Do áp lực cạnh tranh với nhiều loại chiếu tre, chiếu ni-lon và nệm, nghề dệt chiếu lác ở đây bước vào giai đoạn khó khăn. Bà Trần Thị Thanh Tuyền (60 tuổi - ngụ ấp Thạnh Thuận, xã Đông Thạnh) chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề dệt chiếu đã gần 50 năm. Bây giờ ít ai làm nghề dệt chiếu bởi thu nhập không đủ nuôi sống bản thân, huống chi nuôi cả gia đình...". 

Còn bà Trần Thị Tốt (68 tuổi - chủ cơ sở dệt chiếu Hai Tốt ở ấp Thạnh Xuân) nói: “Người lao động còn gắn bó với nghề dệt chiếu hầu như là người lớn tuổi. Những người trẻ đi làm trong các công ty, xí nghiệp có thu nhập cao hơn...". Tại cơ sở dệt chiếu của bà Tốt, thợ dệt thường bắt đầu công việc từ khoảng 4h, kết thúc lúc 12h; thu nhập bình quân 50.000 đồng/người. 

“Sẽ không có ai nối nghề...” 

“Xóm chiếu Huế” ở khu vực 5 (phường Ngã Bảy, TX.Ngã Bảy) cũng rơi vào "hoàn cảnh" tương tự nghề dệt chiếu ở xã Đông Thạnh. Năm 1954, khá nhiều người từ miền Bắc vào nơi này sinh sống, mang theo nghề dệt chiếu, hình thành “xóm chiếu Huế” (tên người dân địa phương thường gọi). Hàng trăm hộ dân trồng lác; lấy cây bố đai làm dây trân, tạo độ bền, chắc cho chiếc chiếu. Nhưng hiện “xóm chiếu Huế” cũng chỉ còn lác đác vài ba hộ gắn bó với nghề.

Cô Phan Thị Vân (có nhiều năm gắn bó với nghề dệt chiếu) bộc bạch: “Tôi thấy buồn bởi sợ rằng khi không còn đủ sức khỏe để dệt, con cháu sẽ không có ai nối nghề. Bình thường muốn dệt tôi phải thuê thêm một lao động phụ với tiền công 35.000 đồng/buổi. Vì vậy khi dệt xong chiếc chiếu bán với giá 200.000 – 300.000 đồng/đôi, sau khi trừ chi phí không có lời bao nhiêu”. Bà Phan Thị Vy (56 tuổi) băn khoăn: “Nghề dệt chiếu đã gắn bó với gia đình tôi mấy chục năm. Lúc trước nhờ nghề này vợ chồng tôi có tiền lo cho con cái ăn học, cuộc sống gia đình ổn định. Bây giờ nghề dệt chiếu đang đi vào ngõ cụt".  

Thu nhập từ nghề dệt chiếu quá thấp, không thể trang trải cuộc sống gia đình. Vì vậy, nhiều thợ dệt đã phải bỏ nghề. Nếu tình trạng này còn kéo dài, nghề dệt chiếu tại Hậu Giang khó có thể duy trì... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn