MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cánh đồng khóm Cầu Đúc ở Hậu Giang.

Hậu Giang: Sống được với khóm Cầu Đúc

TAM ANH LDO | 09/03/2017 09:38
Khóm Cầu Đúc là đặc sản của vùng đất Hậu Giang, có vị ngọt vượt trội so với khóm trồng ở các địa phương khác. Theo nhiều nông dân, loại khóm này có mặt đầu tiên tại xã Hỏa Tiến (TP.Vị Thanh), sau đó phát triển mạnh trên địa bàn TP.Vị Thanh và huyện Long Mỹ.

Ông Võ Văn Chín - ngụ ấp 4, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ - cho rằng: “Loại khóm này ban đầu ít người trồng. Sau đó thấy trái có vị thơm ngon, màu sắc đẹp nên nông dân trồng nhiều tại các bờ sông. Cây khóm có rễ bám rất vững, ít bị sâu bệnh nên rất được ưa chuộng”. Còn theo các nhà khoa học, loại khóm này có nguồn gốc từ Thái Lan, vị ngọt thanh đặc trưng, cuống ngắn, màu vàng sậm, ít xơ, ăn giòn và ngọt.

Ông Hà Văn Thêm - thương lái đến từ TPHCM - nhận xét “Tôi đến xứ này mua bán khóm đã trên 30 năm. Lợi thế lớn của loại khóm này là để khoảng 15 ngày không bị hư, xuống màu như những loại khóm khác nên thuận tiện trong khâu vận chuyển tiêu thụ ở xa…”. Bà Nguyễn Thị Ni - ngụ ấp 4, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ - cho biết: “Gia đình tui canh tác 30 công khóm Cầu Đúc, mỗi năm lời xấp xỉ 200 triệu đồng. Ở vùng nhiễm phèn mặn như Long Mỹ làm nông có được số tiền đó là mừng lắm rồi…”. 

Hiện xã Vĩnh Viễn có trên 200ha trồng khóm Cầu Đúc, tập trung tại ấp 4 và ấp 5. Khóm thường được trồng vào đầu mùa mưa. Vụ thu hoạch chính vào cuối tháng hai, đầu tháng ba (âm lịch) hàng năm. Mỗi năm người trồng thu hoạch 3 đợt trái. Loại khóm này nhẹ công chăm sóc, chi phí bón phân thấp. Hiện giá bán bình quân 10.000 đồng/trái lớn, 5.000 đồng/trái nhỏ. Người trồng mang ra các điểm đường thủy hoặc đường bộ thuận lợi để bán. Thị trường tiêu thụ nhiều nhất hiện nay là TP.Cần Thơ, Vĩnh Long, TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khóm Cầu Đúc còn xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu để chế biến thành nhiều mặt hàng (nước ép, sấy khô không tẩm đường, kẹo, rượu, nước giải khát có ga…).

Nghề trồng khóm Cầu Đúc còn tạo việc làm quanh năm cho hàng ngàn lao động nông thôn (bón phân, chăm sóc, đánh lá…) với tiền công bình quân 150.000 đồng/ngày (lao động nam), 120.000 đồng/ngày (lao động nữ). Chị Nguyễn Thị Mười - ngụ ấp 4, xã Vĩnh Viễn - cho biết: “Hai vợ chồng tui làm thuê cho người trồng khóm đã hơn 15 năm nay. Tuy vất vả đôi chút nhưng thu nhập tạm ổn, có việc làm quanh năm…”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn