MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng kiểm lâm kiểm tra đất rừng giao khoán cho hộ ông Trần Văn Lung. Ảnh: G.B

Hiệu quả giao khoán đất rừng tại An Minh

GIA BẢO LDO | 04/10/2017 07:00
Tại Kiên Giang, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong việc giao khoán đất rừng. Riêng tại huyện An Minh, các hộ dân nhận khoán đã quản lý kết hợp với phát triển kinh đạt kết quả tích cực. Có được điều này nhờ nhận thức của người dân được nâng cao; quyền lợi và trách nhiệm khi chăm sóc, bảo vệ rừng kết hợp hài hòa, hợp lý.

Toàn tiểu khu 34 (ấp Cán Gáo, xã Đông Hưng B, huyện An Minh) có 144 hộ dân và 3 doanh nghiệp nhận khoán đất rừng tự nhiên (tổng diện tích trên 710ha). Ban Quản lý (BQL) rừng liên huyện An Biên - An Minh triển khai việc giao rừng cho người dân quản lý từ năm 2009.

Ông Huỳnh Văn Thảnh từ Cà Mau đến lập nghiệp tại ấp Cán Gáo. Năm 2009, gia đình ông Thảnh được BQL rừng liên huyện An Biên - An Minh giao khoán 4,7ha đất trồng rừng tự nhiên tại tiểu khu 34. Nhận đất, ông Thảnh cải tạo đất, lên bờ bao, mua tràm con về trồng. 3 năm sau (năm 2011), ông Thảnh khai thác 3.500 mét vuông tràm cừ, giá bán thời điểm đó 2,5 triệu đồng/1.000 mét vuông (mỗi năm chỉ được khai thác tràm/10% diện tích đất được giao khoán). Sau đó, ông Thảnh đã trồng mới, khai thác được 5 lần.

Ông Thảnh cho biết, hiện tràm cừ từ 3 - 5 năm tuổi đang phát triển tốt, thương lái đến hỏi mua giá 12 triệu đồng/1.000 mét vuông, nhưng ông chưa bán. Ông Thảnh còn tận dụng 1.000 mét vuông bờ bao trồng trên 2.000 gốc dưa leo. Từ trồng tràm, dưa leo, mỗi năm ông Thảnh thu nhập gần 100 triệu đồng… 

Ông Trần Văn Lung - ngụ ấp Cán Gáo - cũng là một trong những hộ thực hiện có hiệu quả việc nhận khoán bảo vệ rừng (năm 2010 được giao nhận khoán 4,6ha đất rừng tự nhiên tại tiểu khu 34). Ông Lung khai hoang, lên bờ bao, cải tạo đất trồng tràm kết hợp trồng chuối, mãng cầu, bầu, bí và nuôi cá dưới mương (thu nhập mỗi năm khoảng 70 triệu đồng).

Ông Thảnh chia sẻ: “Từ khi được nhận rừng để quản lý, tôi đảm bảo việc chăm sóc, tuần tra bảo vệ rừng kết hợp làm kinh tế. Có rừng, tôi có công ăn việc làm ổn định nên bám trụ, không rời mảnh đất này”. Còn ông Trần Văn Lung còn được giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ bảo vệ rừng ấp Cán Gáo. “Bảo vệ rừng là quyền lợi, trách nhiệm của tổ nên phải phối hợp với chính quyền, lực lượng chức năng của xã, kiểm lâm tuyên truyền cho người dân hiểu và thực hiện” - ông Lung bộc bạch.

Ông Trần Hồng Đảo (Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện An Biên - An Minh) cho biết, thực hiện giao khoán đất rừng trên địa bàn huyện An Minh đã hạn chế được tình trạng chặt phá rừng trái phép, góp phần duy trì ổn định diện tích rừng, nâng cao đời sống của hộ gia đình nhận khoán, tạo động lực để người dân tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng. Việc tuần tra định kỳ hàng ngày, hàng tuần và cảnh giác phòng, chống cháy rừng trong mùa đốt nương rẫy được các hộ chủ rừng quan tâm. Từ những khu vực rừng được nhận khoán, người dân đã kết hợp phát triển kinh tế (chăn nuôi gia cầm; trồng rau màu, cây ăn trái) đem lại thu nhập khá cao. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn