MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ao nuôi tôm công nghiệp ở huyện Cầu Ngang.

Hướng đến phát triển nghề nuôi tôm bền vững

TRẦN LƯU - P.V LDO | 11/11/2017 07:00
Xác định con tôm là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Trà Vinh đã tiến hành đầu tư, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo “đường bơi” bền vững cho con tôm phát triển… 

Trúng đậm mùa tôm

Sau thời gian tôm nuôi bị thiệt hại trên diện rộng do môi trường ô nhiễm và thời tiết cực đoan, những ngày qua, các hộ nuôi tôm ở Trà Vinh rất phấn chấn khi con tôm trúng mùa, được giá. Đến nay, nông dân trong tỉnh đã thả nuôi hơn 1,71 tỉ con giống tôm sú, gần 3,4 tỉ con giống tôm thẻ chân trắng/tổng diện tích 24.000ha - cao hơn cùng kỳ gần 740 triệu con giống.

Hiện sản lượng tôm nuôi đã thu hoạch đạt gần 32.000 tấn; trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng gần 23.000 tấn, tăng hơn 6.500 tấn so cùng kỳ năm trước. Các địa phương ven biển (Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải và TX.Duyên Hải) đều thắng lợi vụ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng này. Hơn 90% số lượt hộ nuôi tôm đạt mức lợi nhuận thấp nhất 100 triệu đồng/ha/vụ (nuôi bán thâm canh), trên 200 triệu đồng/ha/vụ (nuôi thâm canh). 

Năm nay, Trà Vinh thực hiện hiệu quả mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh với 100 hộ nuôi/tổng diện tích 150ha. Đây là mô hình do Cty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam triển khai và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân. Mô hình nuôi này đạt sản lượng 50 – 55 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 2 tỉ đồng/ha, góp phần đáng kể về sản lượng cũng như giá trị con tôm của tỉnh.  

Nghề nuôi tôm ở Trà Vinh đã hình thành hơn 20 năm qua. Người nuôi không ít lần điêu đứng khi tôm chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường và thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp. Chỉ trong tháng 3 vừa qua, đã có hơn 500 hộ thiệt hại hơn 44 triệu con giống tôm sú/diện tích 213ha (chiếm 32,3% diện tích thả nuôi) và 487 hộ thiệt hại hơn 100 triệu con giống tôm thẻ chân trắng/diện tích 183ha (chiếm 18,5% diện tích thả nuôi). 

Riêng huyện Cầu Ngang có gần 1.479 lượt hộ thả nuôi hơn 136 triệu con giống tôm sú/diện tích hơn 714ha mặt nước; hơn 2.000 lượt hộ thả nuôi hơn 528 triệu con giống tôm thẻ chân trắng/diện tích hơn 1.000ha mặt nước. Đến nay đã có 523 lượt hộ bị thiệt hại hơn 45 triệu con giống tôm sú/diện tích 221,95ha (chiếm 31,05% diện tích thả nuôi); tôm thẻ chân trắng có 453 lượt hộ bị thiệt hại hơn 75 triệu con giống/diện tích 150,72ha… 

Tạo “đường bơi” bền vững

Trước tình hình dịch bệnh xảy ra trên tôm, nhiều nông dân ở huyện Duyên Hải đã phát triển mạnh mô hình đưa con cua biển vào nuôi theo hình thức xen canh trong ao nuôi tôm quảng canh hay mô hình "Tôm – cua – rừng". Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân huyện Duyên Hải và các hộ vùng ngập mặn ven biển. Đặc biệt, năm nay giá cua biển lần đầu tiên chạm mức kỷ lục nên các nông hộ rất phấn khởi. 

Ông Nguyễn Văn Nhỏ - ngụ ấp Cồn Ông, xã Trường Long Hòa, TX.Duyên Hải - cho biết, gia đình ông nuôi 4ha cua biển, chưa năm nào trúng giá như năm nay (giá cua xô đồng 250.000 đồng/kg). Đợt này, gia đình ông Nhỏ thu hoạch khoảng 4 tấn, nếu giá cua biển ổn định như hiện nay, ông Nhỏ thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. 

Theo Sở NNPTNT Trà Vinh, bình quân mỗi năm, nông dân ở Trà Vinh thả nuôi khoảng 13.000ha cua biển, năng suất đạt từ 0,8 - 1,2 tấn/ha. Tổng sản lượng cua biển thương phẩm thu hoạch trên 1.400 tấn/năm. Ngoài mô hình nuôi cua biển, Trà Vinh còn triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao nuôi tôm sú; qua đó giúp người nuôi thủy sản đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, cắt được mầm bệnh trong ao nuôi tôm sú, giảm rủi ro, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm trong điều kiện biến đổi khí hậu... 

Hiện Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh đã xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao nuôi tôm sú (diện tích 3ha) với 6 hộ nuôi tại xã Long Sơn (huyện Cầu Ngang) và các xã Ngũ Lạc, Đôn Châu, Long Khánh (huyện Duyên Hải) tham gia. Mô hình hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn. Các hộ tham gia mô hình còn được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật suốt giai đoạn nuôi. 

Tỉnh Trà Vinh cũng đang hướng đến mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Năm 2016, Tập đoàn C.P Việt Nam triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ở huyện Cầu Ngang và Duyên Hải/tổng diện tích 8ha mặt nước (40 ao) với mật độ nuôi 150 - 200 con/mét vuông, năng suất bình quân đạt 25 - 30 tấn/ha. Đây là mô hình nuôi theo quy trình khép kín, hạn chế sử dụng hóa chất kháng sinh, sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy đạt hiệu quả kinh tế cao, nhưng chi phí đầu tư khá lớn, trình độ quản lý và hạ tầng điện chưa đáp ứng yêu cầu nên mô hình chưa thu hút được người nuôi... 

Ông Dương Hoàng Sum – Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang - cho biết, nuôi tôm được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Dự báo đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 6.970ha, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 2,8%/năm. Huyện sẽ tập trung bố trí lại vùng nuôi thủy sản theo định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đã đề ra. Đối với khu vực trong đê bao, bố trí nuôi ở những điểm bị nhiễm mặn trước đây có điều kiện, nguồn nước, ao hồ tốt như Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây, Mỹ Long Nam, Thuận Hòa…; sẽ bố trí nuôi tập trung ở từng khu vực, không phát triển tràn lan. Đối với vùng nước ngọt trong đê bao sẽ khôi phục lại diện tích nuôi tôm càng xanh, cá nước ngọt. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn