MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đất nông nghiệp vùng ĐBSCL cần một quy hoạch bền vững.

Hướng đến sử dụng đất nông nghiệp bền vững

P.H LDO | 10/10/2017 06:54

Biến đổi khí hậu ngày càng cho thấy những ảnh hưởng khốc liệt và đang tác động mạnh tới việc sử dụng đất tại vùng ĐBSCL – một trong những nguồn tài nguyên cốt lõi trong phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch và sử dụng bền vững tài nguyên đất đang đặt ra những vấn đề cấp bách…

Thách thức ngày càng lớn

Vùng ĐBSCL thuộc phần hạ lưu của lưu vực sông Mekong, tổng diện tích tự nhiên 4,08 triệu hecta (đất nông nghiệp chiếm 84%), dân số trên 17 triệu người. Địa hình trong vùng tương đối bằng phẳng với mạng lưới sông ngòi, kênh, rạch phân bố dày đặc (4km/km2)… Đây được xem là vùng nằm trong khu vực kinh tế năng động và phát triển (tiếp giáp TPHCM, các nước Đông Nam Á), dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 - 60 tuổi) chiếm tỉ trọng lớn (60% với 10,5 triệu lao động). 

Tuy nhiên, những năm gần đây, vùng ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức lớn: Tình trạng lũ lụt, sạt lở, xâm thực, xói lở bờ biển diễn ra hàng năm; diện tích đất bị thoái hóa chiếm khoảng 35,19% diện tích đất nông nghiệp. Cùng với tốc độ phát triển, diện tích đô thị, công nghiệp, dân số của vùng liên tục tăng. Đặc biệt, do nằm ở vùng hạ lưu sông Mekong nên ĐBSCL chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc khai thác, sử dụng nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn; việc bố trí các khu công nghiệp, các nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm đất và nguồn nước… 

Vấn đề sử dụng đất hiện còn tồn tại nhiều bất cập: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra; việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp xã, cấp huyện tại một số tỉnh, thành còn chậm; thiếu đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chi tiết của các ngành, quy hoạch không gian đô thị của thành phố... Ngoài ra, việc lập và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm, tính khả thi chưa cao; việc công bố công khai và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn yếu kém dẫn đến việc phải điều chỉnh; kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa sát với kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt…  

Cần một quy hoạch bền vững

Trước thực trạng trên, vấn đề làm sao quản lý, khai thác, sử dụng đất đai phù hợp, đáp ứng các yêu cầu đặt ra đang là một đòi hỏi bức thiết. Nhiều năm qua, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, các địa phương vùng ĐBSCL đã từng bước quy hoạch và hình thành những vùng chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp với số lượng lớn, chất lượng cao. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp cũng được nhà nước ban hành... 

Vừa qua, Bộ TNMT đã đưa ra định hướng quy hoạch sử dụng đất vùng ĐBSCL gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Theo đó, xác định chia ĐBSCL thành 3 tiểu vùng. Tiểu vùng kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp (trung tâm giữa sông Tiền - sông Hậu): Quy mô diện tích 948.000ha, chiếm 23,38% diện tích tự  nhiên toàn vùng (gồm các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long; một phần các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, TP.Cần Thơ). Vùng này sẽ có vai trò chiến lược trong mối quan hệ với quốc gia, quốc tế; là nơi tập trung đô thị dịch vụ, công nghiệp, nghiên cứu khoa học; là đầu mối giao thương với các vùng trong cả nước thông qua cảng vùng và sân bay quốc tế. Tiểu vùng kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp: Quy mô diện tích 889.000ha, chiếm 21,92% diện tích tự nhiên toàn vùng (gồm 2 tỉnh Tiền Giang, Long An và một phần tỉnh Đồng Tháp). Đây là tiểu vùng phát triển kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp thuộc phía đông bắc của vùng, tiếp giáp với TPHCM. Tiểu vùng kinh tế nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ: Quy mô diện tích 2.218.000ha, chiếm 54,70% diện tích toàn vùng (gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang và một phần tỉnh An Giang, Sóc Trăng, TP.Cần Thơ). Đây là một cực đối trọng với các đô thị và cảng trong vịnh Thái Lan, kết nối với các nước Đông Nam Á. 

Theo các chuyên gia, hiện nền nông nghiệp ĐBSCL đang hướng đến mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản xuất hàng hóa để nông sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh trong một thị trường hội nhập sâu, rộng. Chính vì vậy, một cơ chế mở về tích tụ ruộng đất đang được mong mỏi từng ngày. Muốn sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn phải có diện tích lớn, hạn điền như hiện nay không thể nào làm lớn được… Quan trọng nhất, cần có một quy hoạch tổng thể tích hợp với các định  hướng mang tính chiến lược với tầm nhìn dài hạn, các kế hoạch cụ thể  để có thể thực sự mở lối ra cho vùng ĐBSCL vốn lâu nay vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn